Đề cương Văn hóa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển

27/02/2023 12:27

Năm 1943, Đảng đã cho ra đời bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn đầy đủ nhất đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nền văn hóa mới, mở đường cho văn hóa phát triển.

 Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cùng sức mạnh văn hóa tinh thần được tạo ra trong cuộc vận động văn hóa từ tháng 2/1943 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cùng sức mạnh văn hóa tinh thần được tạo ra trong cuộc vận động văn hóa từ tháng 2/1943 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24.11.1946) được coi là bước ngoặt lịch sử, khẳng định vị thế, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức chân dung của Người được vẽ bằng máu của họa sỹ Diệp Minh Châu, quê ở miền Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các diễn viên Đoàn văn công nhân dân Trung ương sau buổi biểu diễn tại Phủ Chủ tịch (22.3.1959).

Là người đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công xây dựng một nền văn nghệ mới, thường xuyên sâu sát và có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các anh chị em nghệ sỹ. Trong ảnh: Các đại biểu dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội (26.11.1962)

Giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc sẽ phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, đồng thời những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc anh em bổ sung cho nhau và làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong ảnh: Bác Hồ thổi khèn do đồng bào Yên Châu kính tặng trong chuyến thăm Tây Bắc (5.1959)

Trong 2 năm 1945-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ về chống Giặc đói, phong trào Hũ gạo cứu đói, Ngày đồng tâm… đã diễn ra rộng khắp trên cả nước. Trong ảnh: Phong trào Hũ gạo cứu đói với tinh thần Một nắm khi đói bằng một gói khi no lan rộng khắp cả nước

Phong trào Bình dân học vụ ra đời ngay sau Cách mạng Tháng Tám. Việc mở ra phong trào giúp toàn dân biết chữ như bình dân học vụ là đúng đắn và cần thiết, để lại nhiều bài học đến tận bây giờ, cho thấy sự quan trọng của việc học tập suốt đời, học nữa học mãi. Trong ảnh: Một lớp Bình dân học vụ ở Hà Nội những ngày đầu độc lập.

Lớp học diệt giặc dốt cấp tốc trong giờ nghỉ trên thao trường của bộ đội và dân quân tự vệ những năm đầu kháng chiến chống Pháp

Tinh thần Tương thân tương ái là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, tinh thần ấy lại được phát huy cao độ trong tất cả các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: "Hũ gạo chống Mỹ" là phong trào kế hoạch nhỏ trong những năm kháng chiến chống Mỹ được thiếu nhi cả nước nhiệt tình tham gia.

Sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa từ 1960 đến 1975 đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm văn hóa hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa kiến quốc, vừa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành thắng lợi hoàn toàn. Trong ảnh: Tiễn đưa thanh niên "Ba sẵn sàng" của khu Đống Đa (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, tháng 8.1964, sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc

Trong các cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Văn hóa cổ động tinh thần và lực lượng, góp phần quan trọng trong các phong trào thi đua ái quốc. Trong ảnh:Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn trong phong trào Thanh niên Ba sẵn sàng của tỉnh Thái Bình (tháng 8.1964)

Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu được hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, việc phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại. Trong ảnh: Giã gạo ủng hộ bộ đội giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mở đường cho những phong trào yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa Việt Nam từ sau 1945 đến nay đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử đương đại. Trong ảnh: Nữ sinh Trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký tham gia phong trào Phụ nữ Ba đảm đang, năm 1965.

Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Đội trực chiến của dân quân huyện Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ

Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và từng vùng, miền được kế thừa; di sản văn hóa của các dân tộc được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội. Trong ảnh: Nghệ nhân dân tộc Pa Kô truyền dạy cách chơi đàn Ta lư cho thiếu nhi.

Nhảy sạp không chỉ mang đậm bản sắc đời sống sinh hoạt văn hóa người Tây Bắc mà còn thể hiện được cốt cách, tâm hồn và tình cảm của những người con nơi đây, là hoạt động tiêu biểu giúp gắn kết cộng đồng người Tây Bắc và cộng đồng các dân tộc khác nhau. 

Tính chất nhân văn của nền văn hóa giúp củng cố trong mỗi con người lòng nhân ái, bao dung, nghĩa tình, tình yêu thương con người, đề cao nhân phẩm, bảo vệ con người, tiến tới một xã hội tràn đầy tình yêu thương và sự đồng cảm, củng cố đạo đức xã hội. Trong ảnh: Phong trào hiến máu được tổ chức liên tục và rộng khắp, góp phần quan trọng vào việc điều trị, cứu chữa người bệnh.

Di sản văn hóa dân tộc là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Trong ảnh: Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, ngày 16.11.2010.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; ...Trong ảnh: Tổ chức các cây ATM gạo miễn phí giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 ở Đông Hà, Quảng Trị.

Con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo ra văn hóa, đồng thời là sản phẩm của văn hóa, được "nhào nặn" bởi văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tỉnh Bình Thuận không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm mà còn là dịp để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu nét đặc trưng của cộng đồng người Chăm.

54 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em

Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội và là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia-dân tộc. Trong ảnh: Múa khèn - nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội, một nét văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu văn chương, hướng con người đến với những chân-thiện-mỹ để tự hoàn thiện tâm hồn, nhân cách, từ đó sống đẹp và sống tốt hơn.

Đua ghe ngo là hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, là dịp để cộng đồng các dân tộc giao lưu, củng cố, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển.

Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội. Trong ảnh: Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2005, đến năm 2008 được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Đây là một nét văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc với mong muốn một năm mới vạn sự như ý

Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa truyền thống có từ xa xưa ở xứ Kinh Bắc, cùng với dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Trong ảnh: Canh hátQuan họ trên ao đình tại Hội liem thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 6.12.2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hằng năm, việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được đặc biệt chú trọng, nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," tôn vinh công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Hội voi Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là hoạt động văn hóa truyền thống của cư dân bản địa với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đàn voi nhà, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo sức lan tỏa để bảo tồn các giá trị văn hóa và quảng bá du lịch.

Ngày 15.12.2021, UNESCO chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa.

Ngày 1.10.2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Với tính chất là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, việc trao truyền thông qua hình thức truyền dạy ca trù được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu

Nghệ thuật sân khấu chèo đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống rất cần được tiếp tục trao truyền, gìn giữ

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4) là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Việc lấy ngày 21.4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản

Ngày 23/11 hằng năm được chọn là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 12.12.2019 cho thấy những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Trải qua nhiều đời, đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã hình thành và lưu giữ được một nền văn hóa đa dạng và phong phú trong đó đáng nói đến là nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nét văn hóa phản ánh đậm nét đời sống tinh thần và cũng là niềm tự hào người dân tộc Pà Thẻn. Trong ảnh: Lớp dệt thổ cẩm được duy trì thường xuyên như một sản phẩm văn hóa du lịch của cộng đồng người Pà Thẻn ở Lâm Bình, Tuyên Quang

Chợ nổi là trung tâm giao thương và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài vai trò là nơi mua bán nông sản và giao lưu văn hóa của bà con các tỉnh thành miền Tây. Chợ nổi Cái Răng còn là di sản văn hóa phi vật thể với nhiều giá trị đặc sắc của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, dành sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa phát triển, nhất là đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền; đảm bảo quyền tiếp cận các loại hình và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng của nhân dân.

Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em.

Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam, có vùng ảnh hưởng lớn với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam

Hát Xoan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân đất Tổ; góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống mang giá trị hồn cốt của dân tộc. Cũng như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan cũng mang giá trị lòng yêu nước, cố kết cộng đồng dân tộc và giá trị tâm linh sâu sắc. Ngày 8.12.2017, hát Xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Nghệ thuật hát bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được tổ chức hằng đêm ở Hội An để phục vụ du khách mùa cao điểm. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa.

Xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; Giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước để học hỏi, tiếp nhận làm giàu văn hóa dân tộc trên tinh thần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong ảnh: Tiết mục biểu diễn của thiếu nhi ASEAN trong đêm khai mạc Liên hoan thiếu nhi ASEAN + 2017 với chủ đề Hành trình khám phá.

Ðề cương về Văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đề cương Văn hóa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển