Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023).
Nghi thức Lễ cáo yết tại Lễ hội truyền thống tưởng niệm 1.115 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ tại đền thờ Khúc Thừa Dụ ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) năm 2022
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí, trang, cổng thông tin điện tử, fanpage của các ngành, địa phương, hệ thống đài phát thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã triển khai các hoạt động tuyên truyền. Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên các báo, đài, tạp chí, trên internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phát tán thông tin sai trái, xuyên tạc sự kiện; kịp thời ngăn chặn, phản bác thông tin xấu độc xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, hạ bệ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với hình thức phù hợp như: Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu; gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa ở cơ sở và thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Các cơ quan báo chí của tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tăng cường các tuyến tin, bài, phóng sự, xã luận, diễn đàn, trao đổi, các chương trình văn hóa, nghệ thuật với nội dung phong phú, sinh động, có chất lượng kỷ niệm sự kiện; chú trọng tuyên truyền những điển hình tiên tiến trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"; biểu dương gương người tốt, việc tốt để lan tỏa trong cộng đồng…
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chỉ đạo, triển khai các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống lịch sử dân tộc, về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cho đoàn viên, hội viên; vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước hướng về các hoạt động kỷ niệm.
Ban Tuyên giáo các Huyện, Thị ủy, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống đài phát thanh và truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm. Vận động, khuyến khích các cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đăng tải, chia sẻ thông tin về ý nghĩa và giá trị lý luận, thực tiễn của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam", những nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Các pháo thủ tham gia Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ X tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2023
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu nội dung tuyên truyền cần tập trung vào ối cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam”; tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa - văn nghệ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Chú trọng tuyên truyền nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021; thành tựu và kết quả nổi bật về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong 80 năm qua, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường tuyên truyền văn hóa, đạo đức trong Đảng và xã hội. Tuyên truyền kết quả bước đầu thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 19.8.2021 của Tỉnh ủy về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"…
Công tác tuyên truyền cũng cần tập trung đấu tranh, ngăn chặn các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử, vai trò quan trọng của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam", Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa - văn nghệ, xây dựng con người Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, lan tỏa những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm, nhất là những hoạt động lớn, trọng tâm cần gắn với việc tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương, đơn vị.
Tháng 2.1943, Đảng ta ban hành “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh- Phúc Yên, nay thuộc TP Hà Nội). Bản “Đề cương Về văn hóa Việt Nam” năm 1943 gồm 5 phần, trình bày một cách ngắn gọn, súc tích hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc. 80 năm trôi qua, những tư tưởng của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
PV