Liên tục trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng trên biển đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực, ý nghĩa, làm “điểm tựa” vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
>>>Bài 4: Chinh phục khát vọng trở thành quốc gia mạnh về biển
>>>Bài 3: Hiến chương xanh trên biển của loài người
>>>Bài 2: Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình
>>>Bài 1: Chủ quyền biển đảo Việt Nam đậm ghi trong sử liệu
Đó là các chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”; “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); hay chương trình tặng cờ Tổ quốc, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân… của Bộ đội Biên phòng.
“Điểm tựa" vững chắc cho ngư dân
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Vững, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết: Việc triển khai Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và phát huy vai trò của ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là chủ trương lớn, được tiến hành thường xuyên, liên tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo, gắn với các phong trào, cuộc vận động khác của Quân chủng và địa phương.
Chương trình tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân khi đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc...
Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Quân chủng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu triển khai, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt trong toàn Quân chủng. Đồng thời, Quân chủng chỉ đạo Bộ Tư lệnh các Vùng Hải quân và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chủ trì phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động, cụ thể hóa 4 nội dung lớn của chương trình.
Chương trình bước đầu đã đạt những kết quả tích cực, có sức lan tỏa, được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố ven biển đồng tình hưởng ứng. Bà con ngư dân rất phấn khởi trước việc làm thiết thực, cụ thể của Hải quân. Các đơn vị trong Quân chủng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với 24/28 tỉnh, thành phố ven biển; vận động, phối hợp ủng hộ gần 1.000 áo phao, 1.500 phao cứu sinh, 3.700 cờ Tổ quốc, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho trên 1.000 lượt người; thăm, tặng quà ngư dân, hỗ trợ hàng ngàn lít dầu, tổ chức 1.500 ngày công làm sạch môi trường biển…
Lực lượng bác sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kiểm tra sức khỏe cho ngư dân Nguyễn Thanh Bình
Đồng hành cùng ngư dân
Mô hình “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân” của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đến nay đã triển khai được hơn hai năm tại 13 xã, huyện đảo, thuộc 11 tỉnh, thành phố ven biển. Quá trình triển khai thực hiện mô hình luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các bệnh viện trong và ngoài Quân đội tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 1.874 lượt ngư dân; tặng 500 cuốn sổ tay hướng dẫn cấp cứu thông thường trên biển; 340 tủ thuốc quân y cho các tàu cá, hướng dẫn sơ cứu thương, cấp cứu người bị đuối nước cho 1.500 lượt ngư dân. Các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương các xã (huyện) đảo tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 2.500 lượt cán bộ, ngư dân; tập huấn cho trên 800 ngư dân về công tác bảo đảm an toàn trên biển, tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát Biển… Thông qua các hoạt động thiết thực, cụ thể, mô hình góp phần tăng cường tình đoàn kết quân - dân, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình ngư dân và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế gia đình, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, củng cố và phát huy lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, xây dựng hình ảnh đẹp của Cảnh sát Biển Việt Nam.
Phương châm “4 tại chỗ”
Công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn được Quân đội nhân dân Việt Nam xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đặc biệt là công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
15 năm qua kể từ ngày thành lập (9.8.2004 – 9.8.2019), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị chuyên trách và bán chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn thuộc các lực lượng; đã tìm kiếm cứu nạn được hàng nghìn tàu thuyền và hàng nghìn ngư dân, thuyền viên, công nhân viên… khi hoạt động trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hàng trăm người đã được cứu sống kịp thời từ các đảo xa về đất liền. Riêng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Binh đoàn 18 đã cấp cứu 18 người từ huyện đảo Trường Sa. Các tàu Hải quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng đã cấp cứu hàng trăm người, trong đó có hàng chục người nước ngoài từ các vùng biển xa về đất liền.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cứu nạn còn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men và bố trí nơi ăn, nghỉ cho hàng nghìn ngư dân cùng hàng trăm ghe, thuyền gặp nạn trên biển, qua đó khẳng định truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, củng cố niềm tin yêu của nhân dân.
Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phương châm “4 tại chỗ” (gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) luôn được áp dụng triệt để. Trên biển, lực lượng tại chỗ chính là các tàu, thuyền đang hoạt động gần khu vực bị nạn, khi nhận được tín hiệu báo nạn, hoặc thấy có người bị nạn, đều phải có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy, tàu cá của ngư dân được xác định là lực lượng quan trọng trong "4 tại chỗ" trên biển. Bên cạnh đó, cần không ngừng kiện toàn hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh - gọn - hiệu quả; tăng cường xây dựng và huấn luyện lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo đảm có chuyên môn, nghiệp vụ, đủ khả năng xử lý tình huống khi xảy ra các sự cố trên biển.
Cùng các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Cứu hộ cứu nạn, trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn là một lực lượng nòng cốt trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn; tuyên truyền chính sách, pháp luật; tích cực hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng thời gian gần đây là việc tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân 28 tỉnh, thành phố ven biển. Theo trung tá Trương Lâm Tới, Trưởng ban Thanh niên Bộ đội Biên phòng, hoạt động này giúp cho ngư dân nhận thức rõ hơn về chủ quyền biển, đảo; khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tăng cường tình đoàn kết quân, dân trên địa bàn đóng quân.
Vươn khơi bám biển, làm giàu cho gia đình và đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đó là hoạt động thường nhật của ngư dân. Giữa biển khơi, ngư dân luôn cần sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng chức năng đang nhiệm vụ trên biển, để họ an lòng vượt qua những con sóng cả. Thực tế những năm qua, hành trình của mỗi ngư dân nơi khơi xa, luôn có sự dõi theo của đất liền và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Mỗi khi không may gặp sự cố, tai nạn giữa mênh mông biển trời, mỗi khi cần hỗ trợ về hậu cần, kỹ thuật, các ngư dân luôn có được chỗ dựa vững chắc từ các lực lượng chức năng trên biển, để họ vững vàng tiếp tục vươn khơi.
Theo TTXVN