Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 2: Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình

13/08/2019 10:10

Biển Đông luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam.

>> Bài 1: Chủ quyền biển, đảo Việt Nam đậm ghi trong sử liệu

Từ xa xưa trong lịch sử cho đến ngày nay, Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, với mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trên biển, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các bên liên quan. 


Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca

Xác lập và thực thi chủ quyền trên biển một cách hòa bình

Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã ý thức sâu sắc tầm quan trọng của biển, đảo và việc xác lập, thực thi chủ quyền đối với các vùng, đảo một cách hòa bình. Tài liệu Châu bản đã ghi chép việc các vua nhà Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đặc biệt đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những đảo gần đất liền như Côn Đảo, Phú Quốc... thông qua việc nhà Nguyễn liên tục cử người ra khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngay từ thời các chúa Nguyễn, đội Hoàng Sa được thành lập để đi ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hải vật quý và hoạt động này của đội Hoàng Sa đã trở thành thông lệ hàng năm. Đến thời Nguyễn Ánh, ngay sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi vua (1802), hiệu là Gia Long, ông đã tái lập đội Hoàng Sa; năm 1816 cho dựng mốc cắm cờ xác định chủ quyền tại Hoàng Sa…

Trải qua các thời kỳ lịch sử, biển đảo luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu: Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Việc ra đời Chiến lược biển Việt Nam là một bước tiến quan trọng, đề ra những định hướng đúng đắn, vừa giúp đất nước tranh thủ được nguồn tài nguyên để phát triển các ngành nghề kinh tế biển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo. Nhờ có Chiến lược biển, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động, Đề án cụ thể nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế biển và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp, bất đồng giữa các quốc gia ven biển gia tăng. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức.

Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Tôn trọng luật pháp quốc tế

Biển Đông có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam, đồng thời liên quan lợi ích nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Những diễn biến tại khu vực này cũng ngày càng phức tạp, gia tăng căng thẳng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan tháng 6.2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm, cần nhìn nhận thẳng thắn những diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân... Việt Nam luôn khuyến khích đối thoại và hợp tác, thẳng thắn và trách nhiệm trước những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan “tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Phát biểu trên của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều quốc gia trong khu vực.

Về các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Cùng với UNCLOS 1982, Việt Nam nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trước những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; đồng thời nêu rõ “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.” Với tinh thần thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình, Việt Nam đề nghị các bên ở khu vực Biển Ðông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông-châu Á, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa chiến lược, an ninh, giao thông, đường biển và kinh tế. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nghĩa vụ của Việt Nam, của tất cả các nước trong khu vực và nhiều nước khác. Bởi vậy, các quốc gia có lợi ích liên quan cần tăng cường hợp tác trên biển, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế biển trong khu vực và trên thế giới, vì lợi ích chung của các bên liên quan.

Theo TTXVN

Bài 3: UNCLOS 1982: Hiến chương xanh trên biển của loài người

(0) Bình luận
Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 2: Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình