Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 1: Chủ quyền biển đảo Việt Nam đậm ghi trong sử liệu

12/08/2019 16:39

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán rộng khoảng 1 triệu km2.

Nhà cao chân - chứng tích thời kỳ xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Vùng biển nước ta là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh quan điểm biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, với toàn bộ phần phía đông và phía nam giáp Biển Đông. Biển Đông là vùng biển nằm ở rìa lục địa, thuộc Thái Bình Dương, có diện tích bao phủ khoảng 3,5 triệu km2, lớn thứ tư thế giới. Người Việt Nam xưa nay vẫn thường gọi là Biển Đông bởi xuất phát từ ý nghĩa là vùng biển nằm ở phía đông đất nước. Bờ biển Việt Nam chiếm tới 35% chu vi Biển Đông với hàng nghìn đảo lớn, nhỏ. Trong đó, hai quần đảo lớn và có vị trí chiến lược quan trọng nhất là Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ Mộc bản triều Nguyễn… 

Lượn theo hình chữ S, phần đất liền Việt Nam giáp biển trải dài qua 28 tỉnh, thành phố, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tính trung bình tỷ lệ diện tích theo số km bờ biển, cứ 100 km2 Việt Nam có 1 km bờ biển (so với trung bình thế giới là 600 km2 đất liền/1 km bờ biển). Do những chấn tạo địa chất trải qua nhiều thiên niên kỷ, vùng biển Việt Nam có khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau, trong đó một số đảo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước như Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng), Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… 

Nằm ở trung tâm của Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển giao thương nhất thế giới. Từ xa xưa, các cuộc vượt biển hướng về Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác sản vật biển, tìm kiếm kho báu do các tàu thuyền qua lại bị đắm, lưu trú lại trên các đảo như một công việc tự nhiên tất yếu bao đời nay của người Việt. Rất nhiều tư liệu, thư tịch Hán Nôm cổ của Việt Nam, Trung Quốc và tư liệu khảo sát thực địa, bản đồ phương Tây, chủ yếu của các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… đã ghi chép rất rõ về điều này. Các học giả Việt Nam, trong đó có cả học giả người Việt ở hải ngoại và nhiều học giả quốc tế đã có nhiều công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Sử sách của Việt Nam trước đây đã nhiều lần đề cập đến các quần đảo này như một phần không thể thiếu của lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, như Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và các bộ quốc sử, địa chí chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam địa dư chí… Đặc biệt, quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ còn được thể hiện rất rõ trong nguồn tài liệu lưu trữ gốc và các di sản tư liệu thế giới hiện đang bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam.

Triều đình Nguyễn đã để lại cho thế hệ mai sau nhiều tư liệu quý giá về việc mở mang bờ cõi, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó tiêu biểu là hai khối tài liệu đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế, đó là Mộc bản và Châu bản. Ghi chép các sự kiện lịch sử đời chúa Nguyễn từ đời chúa Nguyễn Hoàng đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, tương đương giai đoạn 1558 – 1777, mặt khắc 24, quyển 10 sách "Đại Nam thực lục tiền biên" miêu tả về Hoàng Sa: "ở ngoài biển thuộc về xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa – bãi cát vàng vặn dặm. Trên bãi cát có nguồn nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, đi độ 3 ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa cai quản".

Mộc bản triều Nguyễn khắc sách Đại Nam nhất thống chí – sách địa lý chính thức của triều Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865 đến năm 1910 mô tả cụ thể hơn: Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa, liền cát với biển làm thành trì… Đảo Hoàng Sa ở phía Đông đảo Lý (cù lao Ré). Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ 3 đến 4 ngày đêm có thể đến nơi…

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, đội Hoàng Sa được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn là sự sáng tạo độc đáo của phương thức xác lập và thực thi chủ quyền của nước nhà đối với quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa đi thuyền ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hóa vật và sản vật, hải vật quý ngoài hải đảo về dâng nạp vào tháng 8 đã trở thành thông lệ hàng năm.

Đến thời các vua nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước lên ngôi vua (1802), lấy niên hiệu là Gia Long, hơn ai hết ông là người có ý thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của biển đảo, nên đã để tâm ngay đến việc tái lập đội Hoàng Sa. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ chép: Năm Quý Hợi - Gia Long thứ 2 (1803), tháng 7 lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa.

Đặc biệt, năm 1816, vua Gia Long cho dựng mốc cắm cờ xác định chủ quyền tại Hoàng Sa. Tài liệu Châu bản đã ghi chép việc các vua nhà Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đặc biệt đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những đảo gần đất liền như Côn Đảo, Phú Quốc... Tất cả đã được thể hiện thông qua việc nhà Nguyễn liên tục cử người ra khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ; thực hiện công tác cứu hộ đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời có những chính sách khen thưởng, xử phạt nghiêm minh đối với những người được triều đình cử đi công vụ tại Hoàng Sa. Hoàng Sa, Trường Sa là nơi hiểm yếu, nằm trên con đường giao thương trên biển, nhiều tàu thuyền nước ngoài đã bị gặp nạn. Xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc, đồng thời thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ của nước có chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triều đình cũng như ngư dân vùng biển đã nhiều lần cứu hộ tàu, thuyền nước ngoài gặp nạn ở Hoàng Sa. 

Mộc bản khắc sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, cho biết: "Năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa đông, tháng 12. Thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm, hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ cho các dinh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến phiên dịch để gửi lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi".

…đến An Nam đại quốc họa đồ 

Cùng với những tư liệu lịch sử đang được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ trong nước, nhiều bản đồ của phương Tây cũng thể hiện rõ bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình trong số đó là An Nam đại quốc họa đồ - một bản đồ về Việt Nam vào thế kỷ XIX, một trong những dẫn chứng cho thấy chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Tờ bản đồ có kích thước 84 x 45 cm, là phụ bản của cuốn Dictionarium latino-anamiticum (Từ điển Latin-An Nam), do Oriental Lith. Press xuất bản ở Calcutta (Ấn Độ) vào năm 1838. Tác giả cuốn từ điển này là Jean Louis Taberd (1794 - 1840), giám mục đại diện Tông tòa ở Nam kỳ dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841). Năm 1838, Giám mục Jean Louis Taberd vẽ tờ bản đồ này, trên đó có hình một cụm đảo ở giữa Biển Đông, nằm ở phía bắc vĩ tuyến 160 Bắc, phía đông kinh tuyến 1.100 Đông, trong đó có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là "Paracel hoặc là Cát Vàng". Bản gốc của bản đồ này hiện đang lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp Richelieu tại Paris.

Trong bài viết Ghi chép về địa lý Nam Kỳ in trên The Journal of the Asiatic Society of Bengal, xuất bản tại Calcutta vào năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd đã viết: "Chúng tôi không đi vào kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochin China Đàng Trong. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng – Hoàng Sa gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những người đi biển rất e ngại, đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong… Năm 1816, vua (Gia Long) đã (cho người) đến long trọng cắm cờ và chính thức tuyên bố chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông". 

Dòng chữ "Paracel seu Cát Vàng" ghi trên An Nam đại quốc họa đồ cùng với những chú giải trong bài nghiên cứu của Giám mục Jean Louis Taberd là bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Trước An Nam đại quốc họa đồ, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng.

Tập san Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China do John Crawfurd biên soạn, xuất bản tại London (Anh) năm 1830, có đoạn viết: Năm 1816, vua Cochin China đã chiếm một quần đảo không có người ở và hiểm trở bao gồm nhiều đá, đảo nhỏ, bãi cát... gọi là Paracel. Theo đó, nhà vua tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền nước này, mà hầu như không bị tranh chấp. 

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Những nghiên cứu của bà Monique Chemillier-Gendreau, Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị - Đại học Paris VII – Denis Diderot (Pháp), nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp cho thấy, Việt Nam có bằng chứng rõ ràng về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Hội nghị San Francisco được tổ chức từ ngày 4 – 8.9.1951, để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản với sự tham dự của đại diện 51 nước. Với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn đã tham gia hội nghị. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao, trong đó nhấn mạnh: "Để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam". Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự hội nghị.

Bài 2: Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 1: Chủ quyền biển đảo Việt Nam đậm ghi trong sử liệu