Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 3: Hiến chương xanh trên biển của loài người

14/08/2019 14:01

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được coi là một Hiến chương xanh trên biển của loài người.

>>>Bài 2: Thượng tôn pháp luật và thiện chí hòa bình
>>>Bài 1: Chủ quyền biển đảo Việt Nam đậm ghi trong sử liệu


Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được thông qua ngày 30.4.1982 đánh dấu kết quả 9 năm (1973-1982) đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc, nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982; luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.

UNCLOS 1982 - Khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện

UNCLOS 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; đồng thời đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển, là căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.

Cho biết về tiến trình Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người đầu tiên ở châu Á dịch UNCLOS 1982 nêu rõ: Ngày 23.6.1994, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Qua thực tiễn vận dụng Công ước này trong thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, nước ta đã gặt hái rất nhiều thành công cả trên phương diện pháp lý cũng như trong quá trình thực thi và bảo vệ các quyền của mình.

UNCLOS 1982 được coi là một Hiến chương xanh trên biển của loài người. Đó là thành quả vĩ đại của nhân loại trong quá trình xây dựng, đưa ra các định chế, nội dung quy phạm pháp luật để điều chỉnh mọi mối quan hệ về các mặt: Kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

Với tính chất, giá trị to lớn của UNCLOS 1982, ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước, Việt Nam đã có những chuyên gia, đại diện tham gia quá trình xây dựng nội dung.

Trước khi UNCLOS 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật trong nước về biển; và đã ban hành Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam. Năm 1982, UNCLOS được ký kết tại Montego Bay, Jamaica. Việt Nam đã vận dụng và công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng ven bờ lục địa Việt Nam. Với việc phê chuẩn tham gia Công ước ngày 23/6/1994, Việt Nam thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm một thành viên tích cực.

Đặc biệt, theo tiến sĩ Trần Công Trục, để cụ thể hóa các nội dung của UNCLOS 1982, Việt Nam đã xây dựng và công bố Luật biển Việt Nam năm 2012. Văn bản Luật trên ra đời hoàn toàn dựa vào nội dung, nguyên tắc của UNCLOS 1982, trong đó Việt Nam đã có những quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn, phù hợp với tình hình và chính sách, chiến lược biển Việt Nam.

Việc nội luật hóa UNCLOS 1982 bằng Luật Biển 2012 giúp Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc trong xử lý mọi tranh chấp, hoạt động trên biển có liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Thực thi UNCLOS 1982, thúc đẩy hợp tác về biển

Đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi UNCLOS 1982, thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển, tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) cho biết: Trước hết, Việt Nam đã chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982; ban hành hơn 10 luật và các văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là Luật Biển Việt Nam năm 2012 được xây dựng hài hòa với các quy định của UNCLOS 1982. Với những cố gắng này, các vùng biển của Việt Nam được xác định trong các văn bản pháp luật của quốc gia phù hợp với Công ước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Công ước, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.  

Cùng với đó, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành phân định biển với các quốc gia trong khu vực dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước. Đây chính là một nội dung quan trọng của việc thực thi Công ước, góp phần tạo ra môi trường hòa bình và ổn định giữa các quốc gia, đảm bảo để các quốc gia có được các vùng biển theo quy định của Công ước và có thể tiến hành khai thác, bảo tồn tài nguyên ở các vùng biển đó.

Cũng theo tiến sĩ Phạm Lan Dung, Việt Nam luôn cố gắng thực hiện nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định của Công ước. Năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa trên cơ sở khoa học và pháp lý phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông và đệ trình lên Ủy ban Thềm lục địa Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã thành lập Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn năm 1996; là thành viên của Công ước về Tìm kiếm Cứu nạn. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Điều đó thể hiện ở việc Việt Nam là thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương.

Việt Nam còn tích cực tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải toàn cầu (GMDSS)...


Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

Theo tiến sĩ Phạm Lan Dung, việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển giữa các quốc gia ở các cơ quan xét xử quốc tế được coi là một biện pháp văn minh, phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo cho các nước dù lớn, dù nhỏ cũng có cơ hội bình đẳng trước tòa, bình đẳng trước luật pháp quốc tế. 

Tiến sĩ Phạm Lan Dung cho biết, khi tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia, đàm phán là biện pháp đầu tiên mà các nước nên làm và cần phải làm theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. 

Trong quá trình đàm phán và trao đổi quan điểm, bên cạnh các yếu tố từ góc độ chính trị, ngoại giao..., các nước luôn cần sử dụng đến luật pháp quốc tế như cơ sở không thể thiếu cho lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình. Vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế ở giai đoạn này chính là giúp cho các nước trên thế giới, giới học giả, giới truyền thông và dư luận tiến bộ của cộng đồng quốc tế có được cái nhìn khách quan, trên cơ sở của luật pháp quốc tế, về bản chất của vụ việc và có được những đánh giá đầu tiên về bên đúng, bên sai. Qua đó, dư luận tiến bộ sẽ có những tác động nhất định lên các bên, kiềm chế bên vi phạm luật, hoặc cao hơn là lên án, ngăn chặn...

Ở mức độ cao hơn, khi đàm phán, trao đổi quan điểm không có kết quả, các bên có thể quyết định sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp. Đây là một trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và nhiều văn bản pháp lý quốc tế khác.

Theo TTXVN

Bài 4: Chinh phục khát vọng trở thành quốc gia mạnh về biển

(0) Bình luận
Vì một Việt Nam mạnh về biển, giàu từ biển. Bài 3: Hiến chương xanh trên biển của loài người