Vất vả nhân viên y tế trong doanh nghiệp

22/05/2020 10:31

Tuy không căng thẳng, áp lực như ở các bệnh viện nhưng những y, bác sĩ trong các doanh nghiệp cũng rất vất vả.


Xem clip

Tại nhiều doanh nghiệp, bộ phận y tế được ví như một trạm y tế thu nhỏ. Bộ phận này có từ 1-3 y, bác sĩ phụ trách việc quản lý sức khỏe người lao động. Họ phải xây dựng phương án sơ cấp cứu, tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tập huấn việc sơ cấp cứu cho người lao động và dự trù thuốc thiết yếu. Tuyên truyền, phổ biến thông tin an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc…

Khi đến Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam (TP Hải Dương), chúng tôi gặp ngay 1 nữ công nhân đang mang thai được bế vào trạm y tế của công ty cấp cứu. Tại đây, các y, bác sĩ của công ty nhanh chóng đo huyết áp, cặp nhiệt độ, khám vùng bụng... điều tra tiền sử bệnh nhân, ghi sổ theo dõi, đồng thời gọi xe cấp cứu chuyển tuyến trên. Vừa nhanh tay thực hiện các thao tác, các y, bác sĩ vừa động viên để công nhân ổn định tâm lý.

Tuy không căng thẳng, áp lực như ở các bệnh viện nhưng những y, bác sĩ trong các doanh nghiệp cũng rất vất vả. Làm việc ở Công ty TNHH NamYang Delta (chuyên sản xuất hàng may mặc, ở khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) được 8 năm, bác sĩ Phạm Thị Khanh cho biết bộ phận y tế ở đây có 3 người, mỗi ngày phải thực hiện kiểm soát thực phẩm tại nhà bếp, lưu mẫu thức ăn, kiểm tra khâu chế biến, định lượng từng suất ăn của công nhân nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chị Khanh và đồng nghiệp thường xuyên phải sơ cứu các trường hợp bị kim khâu đâm vào ngón tay. Có trường hợp nặng phần kim bị gãy ở bên trong, các chị phải đưa công nhân lên tuyến trên để phẫu thuật. Nhiều công nhân bị tai nạn giao thông ở ngoài đường cũng đến công ty để các y, bác sĩ chăm sóc.


Nhân viên y tế Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam (TP Hải Dương) khám cho nữ công nhân bị động thai

“Vào mùa hè hay mùa đồng áng, nhiều công nhân còn tranh thủ làm việc nhà nên khi đến công ty người mệt mỏi, ngất xỉu. Đây là thời gian chúng tôi phải làm việc hết công suất, sơ cấp cứu, tư vấn để công nhân ổn định sức khỏe”, bác sĩ Khanh cho biết.

Cùng bộ phận với bác sĩ Khanh, y tá Ngô Thị Kiểm cho biết do công ty chuyên may mặc nên công nhân nữ chiếm phần lớn và nhiều người đang mang thai. Bộ phận y tế phải lập danh sách những nữ công nhân mang thai để theo dõi, tư vấn sức khỏe định kỳ. “Nhiều hôm chị em đang làm bị động thai hay đang ăn cơm trưa thì trở dạ, lúc ấy chúng tôi cũng buông bát để lo cho họ. Theo chị em đến bệnh viện, có hôm người nhà đến muộn, mình đói mờ mắt”, chị Kiểm nói.

Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Lãng - người đã 17 năm gắn bó với Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương) nhớ nhất sự việc hồi năm 2008. Khi ấy một công nhân nữ mang thai trở dạ, do tình hình nguy cấp không thể chuyển lên tuyến trên nên anh phải trực tiếp đỡ đẻ. "Từ ngày làm ở công ty đến nay đó là lần tôi lo nhất và cũng vui nhất. Lo vì không chuyển đi được, trang thiết bị không như bệnh viện nhưng vui nhất là khi em bé cất tiếng khóc chào đời, thực sự rất xúc động”, anh Lãng nói. Lần khác, công ty có hơn 200 công nhân bị ngộ độc thực phẩm, bộ phận của bác sĩ Lãng phải chạy đi chạy lại liên tục để chăm sóc cho công nhân nằm viện và công nhân điều trị tại công ty. Chuyện làm việc thông trưa đã trở thành thường xuyên vì thời gian này công nhân mới nghỉ và tập trung đến xin thuốc.

Đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, những y, bác sĩ ở các doanh nghiệp càng vất vả hơn. Họ phải hướng dẫn công nhân thực hiện các biện pháp phòng dịch, thường xuyên đo thân nhiệt cho họ, đồng thời phải phun khử khuẩn trong công ty...

Toàn tỉnh hiện có 20 trạm y tế trong doanh nghiệp được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Ở những nơi này, nhiều y, bác sĩ có chuyên môn khá tốt với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu và tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người lao động. 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vất vả nhân viên y tế trong doanh nghiệp