Chấp hành chỉ dẫn của biển báo không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho chính người đi đường, kiềm chế tai nạn giao thông mà còn thể hiện văn hóa giao thông của mỗi cá nhân.
Trên hệ thống đường bộ, từ thôn, xã đến quốc lộ, cao tốc có rất nhiều biển báo hiệu giao thông. Hầu hết biển báo được tiêu chuẩn hóa quốc tế để người nước ngoài vào Việt Nam đều có thể nhận biết dễ dàng.
Các loại biển báo được làm theo quy chuẩn, có hình ảnh, ký hiệu dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của các thành phần, lứa tuổi.
Ở Hải Dương, ngoài đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn có 7 tuyến quốc lộ 5, 10, 17B, 18, 37, 38 và 38B đi qua, 21 đường tỉnh, 121 đường huyện, hàng trăm đường đô thị...
Các tuyến đường này được lắp đặt biển báo tương đối đầy đủ nhưng việc chấp hành của người tham gia giao thông còn rất hạn chế. Hiệu lệnh của biển báo đang bị người tham gia giao thông coi thường.
Ví như biển báo "Đường dành cho người đi bộ" ít được lái xe chú ý để giảm tốc độ. Tương tự, biển báo "Cấm sử dụng còi" tại một số khu vực có các cơ quan, đơn vị quan trọng cũng không được chú ý, lái xe vẫn bấm còi như không có biển báo.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra do lái xe lao từ đường phụ ra đường chính mà không quan sát biển báo "Giao nhau với đường ưu tiên"...
Trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn tăng cao, ngoài nguyên nhân do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, sự gia tăng của phương tiện, còn có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức của người đi đường, trong đó có việc không chấp hành hiệu lệnh của biển báo.
Trong 9 tháng qua, Hải Dương đã xảy ra 177 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 166 người chết, 85 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 19 vụ, tăng 23 người chết và tăng 7 người bị thương.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, có tới 320 trường hợp bị xử phạt vì quá tốc độ, 80 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường, 181 trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều... trong cùng khoảng thời gian trên.
Các lỗi trên chủ yếu do người điều khiển phương tiện không chấp hành, không chú ý quan sát chỉ dẫn của biển báo hoặc không hiểu luật.
Không phải ngẫu nhiên đơn vị quản lý đường bộ lắp đặt biển báo tại một vị trí nào đó, mà đều có sự khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn.
Biển báo đều được lắp đặt tại các vị trí mà người đi đường cần chú ý quan sát để phòng ngừa tai nạn giao thông. Vì vậy, việc chú ý quan sát và chấp hành hiệu lệnh của biển báo rất quan trọng.
Do mức độ quan trọng của biển báo giao thông nên Liên hợp quốc đã thông qua một hiệp ước đa phương, đó là "Công ước về báo hiệu và tín hiệu đường bộ", có hiệu lực từ năm 1978.
Trong các thứ tự ưu tiên, hiệu lệnh của biển báo chỉ quan trọng sau hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Ngoài việc người dân tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cần tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm biển báo.
Bài thi lý thuyết, nhận biết các biển báo tại các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe phải được giám sát, thực hiện chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm mỗi người dân khi ra đường có khả năng nhận biết, tuân thủ nghiêm quy định về giao thông đường bộ, trong đó có biển báo giao thông.
Chấp hành chỉ dẫn của biển báo không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho chính người đi đường, kiềm chế tai nạn giao thông mà còn thể hiện văn hóa giao thông của mỗi cá nhân.
CẨM GIANG (TP Hải Dương)