V.League và bóng đá Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn nhất trong hàng chục năm qua. Đại dịch và những hệ lụy mà nó mang đến đánh gục những nỗ lực của người trong cuộc.
Lần đầu tiên người ta phải tính đến những giải pháp tình thế vốn sẽ không thể làm hài lòng tất cả.
Nếu V.League có thể trở lại từ đầu tháng 8, chúng ta sẽ có một mùa giải thần tốc. Các cầu thủ và đội bóng của họ chấp nhận mật độ thi đấu dày đặc để về đích đúng hẹn. Chúng ta chấp nhận những tổn thất trong phạm vi cho phép để hoàn thành được mục tiêu của mình. Đó là đá không có khán giả, đất tập trung ở một cụm sân và… cày ải để về đích. Nhưng, đại dịch đã làm sụp đổ kế hoạch táo bạo này. TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam bị phong tỏa. Đến nay nhiều đội không thể tập luyện và việc rời khỏi địa phương cũng khó như lên trời.
Không ai đảm bảo V.League có thể diễn ra vào tháng 8 khi dịch bệnh ngày một leo thang. Nghiệt một nỗi, tháng 9 lại không dành cho V.League. Đó là khoảng thời gian dành cho đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup. Tháng 10, 11 vẫn là sân chơi của đội tuyển và vòng loại U23 châu Á. Tháng 12 đến lượt AFF Cup khai cuộc. Tháng 1 năm mới vẫn phải dành chỗ cho đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup. Ngay cả khi AFF Cup bị hủy thì cũng chỉ đủ để V.League tổ chức vài vòng đấu rồi tạm nghỉ để đội tuyển hoàn thành nốt hành trình của mình.
Một khoảng thời gian rất dài nhưng lại không đủ chỗ cho V.League. Dẫu rằng, chúng ta phải quan tâm đến hệ thống thi đấu quốc nội nhưng lại không thể buông mặt trận thi đấu quốc tế. Mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm là vấn đề muôn thủa, nhưng ở mùa giải này thì nó lên đến đỉnh điểm khi chúng ta không đủ thời gian để tiến hành cùng một lúc nhiều mặt trận.
Trong những tháng ngày đầy biến động hiện tại, bóng đá Việt Nam không thể có một phương án làm hài lòng tất cả. Có chăng, đó là phương án làm sao giảm thiểu tối ta thiệt hại cho cả hệ thống bóng đá. Thay vì mất tất, chúng ta chọn cách mất trong giới hạn để bảo toàn các mục tiêu của mình. Đội tuyển phải thể hiện được khát vọng Việt Nam. Nhưng các câu lạc bộ và nhà điều hành giải cũng phải gồng gánh để đi nốt chặng đường sóng gió của mình. Đi nốt ý nghĩa hơn là việc bỏ cuộc chơi từ lúc này.
Theo Bongdaplus