Cưới vợ chưa được mấy tháng, anh Thanh Tùng đã "muốn phát điên" vì quá nhiều lần nghe vợ và mẹ kể tội nhau, không khí gia đình ngột ngạt đến khó thở.
Vợ anh, chị Diễm Quỳnh tố mẹ chồng luôn muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả đồ cá nhân. Cô con dâu còn phàn nàn bà quá kỹ tính, đòi hỏi mọi thứ trong nhà phải sạch đến hoàn hảo trong khi cô cả ngày bận rộn với công việc, lại con nhỏ.
Ngược lại Tùng nhiều lần được mẹ gọi riêng vào phòng than thở về con dâu. Bà trách Diễm Quỳnh không quan tâm đến sức khỏe của mẹ chồng. Bà ốm mệt, không ăn được nhưng không hỏi thăm, chê cô ẩu, đoảng.
Dù nhiều lần nhỏ to với cả mẹ và vợ, giải thích, khuyên nhủ nhưng anh Thanh Tùng vẫn không thể giúp hai người phụ nữ bớt nghĩ xấu về nhau.
Đỉnh điểm, có lần vợ chồng Quỳnh cho con đi chơi cuối tuần, mẹ chồng không đồng ý với lý do "hôm nay mùng 7 xấu ngày". Nàng dâu bức xúc nói: "Không phải xấu ngày mà do mẹ xấu tính, không muốn nhà con đi chơi riêng". Mẹ Tùng quát: "Bố mẹ không biết dạy nên để mày láo với nhà chồng". Không khí gia đình "như một thùng thuốc súng" trong khi chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết.
Thuyết phục nhiều lần, cả mẹ và vợ không chịu ngồi xuống nói chuyện với nhau, mà dồn hết vào Tùng. Cuối cùng, anh quyết định áp dụng chính sách "dọa ly thân", mong cả hai xuống nước, ngồi nói chuyện một lần để hiểu nhau hơn.
Vợ anh rất thương bố mẹ đẻ nên chắc chắn không muốn Tết ông bà buồn và cũng sợ cảnh ở trọ. Mẹ Tùng thì dù không ưa con dâu nhưng rất ưa sĩ diện. Ai khen Tùng có vợ đẹp, con xinh, gia đình hạnh phúc bà cũng tự hào.
Anh bàn với vợ sẽ tuyên bố trước mọi người hai vợ chồng ly thân. Sau đó, vờ chuyển công tác vào nam một thời gian để thay đổi tâm trạng, thực chất là dọn ra thuê trọ sống cùng vợ con. "Như vậy em sẽ không phải gặp mẹ chồng, không phải giao tiếp gì với nhà chồng hết", anh nói.
Ban đầu, Quỳnh gật gù đồng ý vì nghĩ đến việc không phải sống chung với mẹ chồng. Nhưng xem xét lại thực tế thu nhập của hai vợ chồng khi phải ra ở trọ, không có người phụ chăm con và bố mẹ đẻ buồn khi biết chuyện con gái không hòa hợp với mẹ chồng, cô đề nghị có thêm thời gian cân nhắc. "Em đường đường chính chính được rước về nhà anh, giờ ở với nhau sao lại phải lén lút", cô vợ nói.
Anh cũng nói với mẹ sẽ ly thân một thời gian vì căng thẳng giữa mẹ chồng - nàng dâu. Tết này, chỉ có anh cùng mẹ về quê bà chúc Tết họ hàng. Nghe thế, mẹ Tùng tá hỏa: "Anh nói thế chẳng khác gì bảo vì mẹ mà vợ chồng anh tan cửa nát nhà à?".
"Vậy thì mẹ ngồi xuống nói chuyện với vợ con đi. Xem có gì chưa hài lòng, chưa hiểu nhau thì nói hết ra", Tùng nói.
Sau vài ngày suy tính, Quỳnh và mẹ Tùng đồng ý có một "cuộc nói chuyện ba bên trên tinh thần xây dựng, không chỉ trích, không lên án nhau".
Lần đầu tiên Quỳnh kể cho mẹ về những căng thẳng trong công việc của cô, những áp lực hàng ngày phải chịu ở công ty mà về nhà vẫn bị mẹ xét nét, quản lý mọi thứ. Mẹ chồng vừa khóc vừa kể vất vả chăm cháu thế nào, cô đơn ra sao khi các con rủ nhau đi chơi để mình bà với một mâm cơm.
"Vợ chồng tôi thừa nhận đã ích kỷ với mẹ và bà cũng hứa không xét nét con dâu", anh Tùng kể. Cuối tuần đó, vợ anh chủ động tổ chức buổi picnic ở công viên. Cô tự tay chuẩn bị các món ăn sẵn. Lần đầu tiên anh Tùng thấy mẹ vào phụ giúp con dâu, dù bà chỉ im lặng.
Ở TP Hồ Chí Minh, anh Trần Đặng cũng đau đầu khi vợ chỉ muốn mẹ chồng về nhà em trai ở vì không thích sống chung. Cô nhiều lần gây áp lực với anh, tỏ thái độ giận dỗi. Trong khi đó, mẹ anh Đặng thì muốn được ở gần chăm sóc cháu đích tôn.
Anh thừa nhận mẹ can thiệp quá sâu vào cách nuôi cháu, hay xét nét, đòi hỏi nên mới khiến vợ căng thẳng. Nhưng là con trai đầu, anh Đặng không muốn để mẹ sang nhà em trai. "Chắc gì em dâu đã vừa lòng, lại trút cái khó lên vợ chồng chú ấy", người đàn ông gốc Bắc nói.
Trước thúc ép của vợ, anh vờ đồng ý với cô, nhưng khuyên đối tốt với mẹ chồng một tháng để khi về nhà em trai không bị điều tiếng gì. Vợ anh thấy có lý nên nghe theo, nói năng nhẹ nhàng với mẹ, thỉnh thoảng rủ bà cùng đi siêu thị mua đồ cho cháu, cùng xem phim, xem hướng dẫn của chuyên gia cách chăm trẻ hay nấu những món bà thích ăn. Mẹ anh Đặng được con dâu chiều chuộng thì vui vẻ, dễ tính hơn hẳn. Bà lấy tiền tiết kiệm mua quà cho cháu, nghe theo các con cách chăm sóc trẻ vì biết vợ chồng anh Đặng đã tham khảo.
"Quả nhiên khi mình thay đổi theo hướng tích cực thì mọi thứ xong quanh cũng thay đổi theo", vợ anh Đặng nói với chồng, thừa nhận trước đây chưa biết cách cư xử khéo léo. Cô từ bỏ ý định đưa mẹ sang nhà em trai.
Cảnh mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn như gia đình anh Tùng hay anh Đặng phổ biến ở Việt Nam từ lâu. Nghiên cứu của tác giả Lê Ngọc Lan (Viện Nghiên cứu gia đình và giới) cho hay, trong mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu, hơn 30% con dâu cho biết không hợp tính mẹ chồng.
Không chỉ ở nước ta, một nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến ly hôn.
"Khi mẫu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu xảy ra, người chồng ở giữa thường nghe than phiền từ hai phía, bênh ai cũng khó vì ai cũng có lý của họ. Điều này khiến đàn ông và cả gia đình căng thẳng, ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân", thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý- giáo dục (Hà Nội), nói.
Theo khảo sát của phóng viên với gần 2.500 độc giả, hầu hết các ông chồng đều khẳng định sẽ cố gắng giải thích, xoa dịu khi mẹ và vợ mâu thuẫn. Tuy nhiên, 1/4 số người được hỏi lại chưa biết cách giải quyết xung đột nhạy cảm này, trong đó, cứ 10 người thì có hơn một người chọn cách im lặng, số khác lại đứng hẳn về phía vợ hoặc mẹ.
Theo bà Linh Nga, cách giải quyết mâu thuẫn của anh Trần Đặng và Thanh Tùng khá thông minh và là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng chỉ phù hợp với cá nhân các gia đình này, không thể áp dụng cho số đông.
"Dọa ly thân chỉ hiệu quả trong số ít trường hợp cả mẹ và vợ sợ tai tiếng và thực tâm mẹ không muốn chia rẽ hai vợ chồng. Nhưng đây là cách mạo hiểm vì đôi khi "giả thành thật", dễ xảy ra hiểu lầm", bà Linh Nga nói.
Tương tự, cách xử trí của anh Trần Đặng phù hợp khi vợ chưa biết cách ứng xử khéo léo với nhà chồng. Nhưng nếu áp dụng trong những trường hợp mẹ chồng, nàng dâu có quan điểm sống, cách sống quá khác nhau sẽ không hiệu quả.
Theo chuyên gia, giải pháp chung cho các ông chồng khi mẹ và vợ mâu thuẫn là đàn ông cần bình tĩnh và giữ vai trò khách quan, trung lập, không thiên vị. Người chồng nên nói chuyện riêng với từng người khi cả hai đã bình tĩnh, lắng nghe để hiểu mong muốn của từng người. Đàn ông cũng nên quan tâm đến hỏi thăm sức khỏe, mua quà tặng cho vợ và mẹ. Trường hợp bất hòa do mẹ hoặc vợ phải làm quá nhiều việc, chồng nên phụ giúp để san sẻ.
"Trong trường hợp hai bên quá khác biệt, giải pháp chỉ có thể là ở riêng, giảm những việc liên quan đến nhau để giảm căng thẳng", bà Nga nói.
Dù không dám khẳng định vợ và mẹ đã yêu quý nhau như con đẻ với mẹ, nhưng cả anh Tùng và anh Đặng đều tin "tuyệt chiêu" của mình đã giúp cả hai nhận ra vai trò của người còn lại trong gia đình, để họ học cách dung hòa khác biệt và đối xử với nhau phù hợp.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
TB (theo VnExpress)