Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng cho Hải Dương và trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa”...
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh thắp hương tưởng niệm 684 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 – 2018). Ảnh: Thành Chung
Sáng 3.3 (16 tháng giêng), Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống tưởng niệm 684 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 – 2018) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia.
Về dự có các đồng chí: Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Diễn văn do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu trình bày tại buổi lễ khẳng định từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm - một Thiền phái thuần Việt góp phần làm nên sức mạnh “Đông A”, điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập, chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương trước Phật đài để tưởng nhớ tới vị tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả.
Các đại biểu dự lễ khai hội. Ảnh: Thành Chung
Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh vào tháng giêng, năm Giáp Dần (1254) tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Năm 21 tuổi, ông đỗ đầu khoa Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Phù (năm 1274). Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc Triều. Song, cũng như vua Trần Nhân Tông, ông đã từ bỏ chốn quan trường, tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, hoằng dương phật pháp, lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau.
Ngày 23 tháng giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày viên tịch của ông đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hàng năm. Những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh đặc sắc gắn với Côn Sơn đã tạo nên sức hấp dẫn của di tích, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển các tiềm năng du lịch của tỉnh.
Gần 7 thế kỷ qua, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ của riêng vùng đất Hải Dương mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” bằng sức sống văn hóa, bằng tâm nguyện của hàng triệu đồng bào Việt Nam.
Tại buổi lễ, đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia.
Đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia. Ảnh: Tiến Mạnh
Bia Côn Sơn tư phúc tự bi được tạo tác bằng đá xanh năm Hoằng Định thứ 8 (1607) trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn ở thế kỷ XVII, do nhà sư Mai Trí Bản trụ trì chùa Côn Sơn chủ trì. Tấm bia này có hình lục lăng, cao 173 cm, rộng 33 cm, chóp mái nhọn, 6 mặt, chân bia tạc hình cánh sen. Bia được chạm khắc tinh xảo với chủ đề chính là những con rồng được tạc theo phong cách thời Mạc, thân dài, mảnh, uốn lưng ngựa, mặt quỷ, sừng trâu... cùng các hoạ tiết nuột nà. Nội dung bia Côn Sơn tư phúc tự bi ghi chép cô đọng, súc tích về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607, do thiền sư trụ trì chùa Côn Sơn là Mai Trí Bản chủ trì cùng các quan lại, quý chức, thiện nam, tín nữ các nơi hưng công xây dựng thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, thượng điện. Những nội dung này được trạm khắc cụ thể ở 6 mặt của tấm bia.
Đông đảo người dân, du khách thập phương xếp hàng thắp hương tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Thành Chung
Bia Côn Sơn tư phúc tự bi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc. Tấm bia quý này có giá trị khoa học nghiên cứu lịch sử xây dựng chùa Côn Sơn, thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và góp phần nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn có vị trí và ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tín ngưỡng trong cung đình và xã hội đầu thế kỷ XVII.
Ngày 15.2.1965 (tức ngày 14 tháng giêng năm Ất Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn và đọc bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi”. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thời đại, tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc…
Kết thúc buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu tiến hành nghi lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, tòa Cửu phẩm liên hoa, nhà tổ… cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh.
Du khách tham quan bảo vật quốc gia bia Côn Sơn tư phúc tự bi tại sân chùa Côn Sơn. Ảnh: Thành Chung
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ ngày 25.2 – 5.3 (tức mùng 10 – 18 tháng giêng âm lịch). Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí, trò chơi dân gian hấp dẫn.
* Trước khi buổi lễ trên diễn ra, sáng cùng ngày, Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tổ chức lễ rước nước với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh...
Đây là nghi lễ linh thiêng tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đoàn rước gồm có lân, rồng, cờ, chiêng trống, bát âm, bát bửu, kiệu hoa, kiệu 3 vị Tổ thiền phái Trúc Lâm triều Trần, kiệu nước, kiệu lễ, các hàng nghi trượng, đội tế nam, đại diện Ban Tổ chức lễ hội, nhân dân và du khách…
TIẾN MẠNH