Sáng 3/3 (tức ngày 23 tháng giêng), tại đền Cả thuộc quần thể khu di tích đền Cao, phường An Lạc (Chí Linh, Hải Dương), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Chí Linh tổ chức khai hội truyền thống.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tới dự.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá), quê hương của cha mẹ 5 Đức Thánh họ Vương và đông đảo nhân dân, du khách thập phương .
Đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Chí Linh đọc diễn văn khai hội ôn lại, tri ân công đức to lớn của vua Lê Đại Hành, thân phụ, thân mẫu và 5 Đức Thánh họ Vương; lịch sử hình thành quần thể di tích đền Cao An Lạc.
Sau diễn văn khai mạc là phần văn tế tri ân do các cụ cao tuổi của làng thực hiện trong không khí trang nghiêm, thành kính. Văn tế ca ngợi công ơn to lớn của 5 Đức Thánh họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành chống giặc Tống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc ở thế kỷ thứ X - mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng quân xâm lược phong kiến phương Bắc; ngợi ca công ơn xây dựng An Lạc ngày nay...
Hằng năm vào ngày 23 tháng giêng, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Chí Linh tổ chức lễ hội đền Cao nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc Đức Thánh, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, các ngôi đền thờ phụng 5 Đức Thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc giữa vùng không gian văn hóa tâm linh An Lạc. 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp oai hùng của 5 Đức Thánh họ Vương cùng với những địa danh lịch sử của đại bản doanh An Lạc góp sức cho vua Lê Đại Hành và quân dân Đại Cồ Việt tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng thế kỷ thứ X ...
Ngay sau lễ dâng hương là lễ rước bộ gồm 13 kiệu bài vị của các thánh, mũ áo, bát hương, lọng, bánh giầy cùng đoàn người đưa rước từ đền Cả về đình Hội Đồng. Tham gia lễ rước còn có 3 đoàn rước đến từ phường An Lạc, TP Chí Linh, huyện Nam Sách... Kết thúc lễ rước là tế yên vị.
Chiều cùng ngày diễn các giải thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Tối 3/3, sẽ diễn ra lễ tế đập đất và vật đập đất xin phép tổ chức giải vật truyền thống đền Cao. Ngày 4/3 sẽ diễn ra giải vật, lễ tạ hội và rước hoàn cung, kết thúc lễ hội đền Cao.
Trước đó, ngày 2/3, Ban Tổ chức lễ hội truyền thống đền Cao đã tổ chức hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho và làm lễ rước kiệu, tế hội đồng, lễ ban "khước thánh"...
THÀNH CHUNG - THANH HOA