​Nhận biết và phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô

20/03/2018 09:18

Ở huyện Nam Sách, bệnh lùn sọc đen bắt đầu xuất hiện trên ngô nếp vụ đông xuân, làm cho bà con nông dân lo lắng.

1. Triệu chứng và đặc điểm phát sinh bệnh

Cây ngô không phát triển được, lùn rụi, lá có nhiều xoắn lượn, phiến lá dày. Khi bệnh nặng, thân và lá có nhiều sọc đen dài ngắn khác nhau, gốc chuyển màu tím và mọc thêm nhiều chồi phụ, sau này không có khả năng trỗ cờ và phun râu. Bệnh phát sinh trên số cây ngô đang giai đoạn từ 8 - 11 lá, gây hại theo từng bạt, hoặc cùng một luống, có khi chỉ 2 - 3 cây liền nhau. 

2. Nguyên nhân

Do rầy lưng trắng và rầy nâu loại nhỏ sẵn có trên đồng ruộng đã chích hút cây ngô và là môi giới lây truyền virus lùn sọc đen gây hại.

3. Biện pháp khắc phục

- Với ruộng đang bị nhiễm bệnh hoặc ruộng vừa nhú mầm - cây con, cần dùng ngay thuốc trừ sâu rầy Sairifos 585EC, pha 25 - 30 ml cho bình 12 - 16 lít, phun ướt đẫm đều cho khoảng 200 m2 ngô, phun vào chiều mát không mưa, phun làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 ngày. Bảo đảm đủ nước tưới rãnh để duy trì độ ẩm đất thích hợp và tưới phân thúc bình thường cho diện tích ngô không nhiễm bệnh hoặc còn bị nhẹ. 

- Với cây ngô bị nặng, không thể bình phục sau phun thì nhổ bỏ và đem đốt tiêu hủy nơi cách xa ruộng, rắc vôi tả vào từng hố gốc, mỗi hố gốc từ 200-300 g. 

KS. NGUYỄN HỮU VÂN

(0) Bình luận
​Nhận biết và phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô