Càng gần đến Tết Nguyên đán, chị em trong xóm thợ càng hay bàn tán.
- Về tiền thưởng chứ gì? - nghe ông bạn kể, tôi hỏi lại.
- Thưởng có, phạt có, lo có.
- Nhiều thứ thế thì còn tâm trí, sức lực đâu đi làm nữa.
- Nhưng đó là sự thật.
Rồi ông phân giải. Chuyện thưởng thì đương nhiên Tết năm nào chả mong, chả đợi, chả đoán, chả chờ… Trong xóm thợ này, lao động làm ở các công ty khác nhau nên thu nhập cũng khác. Dù lương trung bình hay kha khá thì Tết đến vẫn lo vì phải chi tiêu nhiều khoản. Vì thế, câu hỏi có thưởng không, thưởng bao nhiêu, bao giờ là đề tài bàn tán. Cứ thấy cán bộ công ty hay công đoàn ghé thăm là chị em lại xúm vào hỏi. Thế nhưng, thường nhận được cái lắc đầu hoặc hai tiếng "bí mật”.
Thưởng thì chưa thấy nhưng đã có chị sắp bị phạt rồi đấy. Ấy là vì biết ngày lương của mình chẳng được bao nhiêu nên chị D. và cô H. ở phân xưởng bao bì đóng gói đã nhận làm thêm, tiếp thị cho hai cửa hàng rau quả. Sáng sớm đến chợ đầu mối nhận hàng rồi về mới đi làm. Được mấy sáng xuôi chèo mát mái, kiếm được mấy trăm nghìn, ai dè hôm ấy, xe hỏng, tắc đường, lúc đến công ty thì cổng đã khóa, bảo vệ ghi tên vào sổ, chắc chắn cuối tháng sẽ bị trừ lương…
- Có nhiều người tìm việc làm thêm như thế không bác? - tôi lại hỏi.
- Nhiều! Năm hết Tết đến cho nên có nhiều việc phù hợp với cả nam lẫn nữ.
Ông lại kể ra một lô công việc như chạy hàng, dọn nhà, trông trẻ, chăm sóc người ốm yếu (đối với nữ); mắc điện, sửa sang nhà cửa, vận chuyển đồ đạc… (đối với nam). Nói chung là toàn dân lương thấp, ngày thường đã “bóp mồm, bóp miệng” thì ngày Tết lo lắm chứ, nhất là đối với những người ngoại tỉnh nếu muốn về sum họp với gia đình mà không có tiền thì đi sao nổi…
- Nhưng công ty thế nào chả có thưởng?
- Ít nhiều cũng có nhưng như muối bỏ bể chứ có được như nơi thưởng tiền trăm triệu đâu. Cho nên ở xóm thợ này, ai cũng nghĩ phải chạy thêm việc để “tự thưởng” cho mình trước khi công ty thưởng.
TRỌNG NGUYỄN