"Tết năm nay thấy mệt", "Kinh tế khó khăn, chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ sống. Phải đợi có thông tin thưởng Tết mới dám sắm Tết"... là điều nhiều người dân chia sẻ.
Từ cửa hàng nhỏ tới chuỗi siêu thị lớn đã xuất hiện nhiều mặt hàng đặc trưng dịp Tết, doanh nghiệp cũng tăng lượng sản xuất thực phẩm và bán ra với giá tốt. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, nhiều người dân có tâm lý thờ ơ với Tết, người bán cũng còn e dè.
Không ít doanh nghiệp, thương nhân ở các chợ TP Hồ Chí Minh đã tăng lượng hàng sản xuất, nhập về dự trữ bán Tết. Tuy nhiên, họ vẫn đang lo lắng với sức mua nên lượng tăng không đáng kể.
Theo ghi nhận tại các siêu thị, thời điểm này, các sản phẩm có mẫu mã, giá cả đa dạng, nhiều nhãn hàng thuộc ngành thực phẩm, đồ uống... đã tung ra nhiều sản phẩm, giỏ quà Tết với bao bì mới mẻ, lạ mắt, giá cả bình dân hơn.
Tại hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op như Co.op Mart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), Co.opXtra (Vạn Hạnh mall, quận 10)..., không khí Tết sôi động hơn khi có thêm sắc vàng, đỏ của hộp quà Tết, áo dài, bánh kẹo, mứt... tràn ngập khắp gian hàng.
Đẩy một xe hàng lớn rảo một vòng Co.op Mart Rạch Miễu, bà Nguyễn Thị Trang (quận Bình Thạnh) dừng chân tại quầy bày bán các loại bánh kẹo quà Tết. Sau gần 15 phút xem xét từng mẫu sản phẩm, giá cả, bà Trang... đẩy xe đi tiếp.
Bà Trang cho hay nếu năm trước vào khoảng thời gian này bà hay lượn siêu thị ngắm quần áo, đồ Tết, mua sớm để đỡ tất bật thời điểm cuối năm, nhưng năm nay bà chỉ dám khảo giá trước để cân đối, tính toán.
"Năm nay kinh tế khó khăn, chi tiêu dù tằn tiện, tiết kiệm cũng chỉ đủ sống. Phải đợi có thông tin thưởng Tết mới dám mạnh tay sắm sửa, mong rằng năm nay thưởng Tết không giảm", bà nói.
Chị Mai Linh (nhân viên môi giới của một công ty bất động sản, ngụ tại TP Thủ Đức) than thở khi nhắc tới Tết: "Cả năm tôi gần như không bán được căn nhà nào, chưa năm nào tôi thấy khó như năm nay. Một năm chật vật bám trụ với nghề và sống chủ yếu bằng tiền tiết kiệm. Thấy mệt với Tết hơn là vui".
Chị kể những năm trước chị đều khấp khởi "nôn" Tết, háo hức mua quần áo mới, mỹ phẩm, tân trang tóc tai, làm móng, làm đẹp. Có năm chị còn về sớm sắm những đồ gia dụng còn thiếu, bánh kẹo mứt Tết... Thế nhưng, năm nay sẽ không như thế.
Tại tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 1) - nơi tập trung hàng chục thương hiệu thời trang, dù đã bước vào mùa mua sắm Tết nhưng các cửa hàng này vẫn vắng tanh. Nhiều cửa hàng bắt đầu trưng bày những mẫu áo dài, yếm, váy Tết cùng biển giảm giá 30 - 50%, thậm chí 70% nhưng vẫn không thu hút khách, thậm chí nhiều cửa hàng phải trả mặt bằng giữa mùa Tết.
Ông Phạm Tiến - quản lý thương hiệu Sea Collection - cho hay hiếm năm nào thấy tuyến phố sầm uất lại ế ẩm khủng khiếp như năm nay. Thông thường sau Giáng sinh, theo ông Tiến, cửa hàng này phải tăng tuyển nhân viên, bán không xuể, nhưng năm nay phải cắt giảm một nửa nhân viên vì ế ẩm.
"Những năm trước, cửa hàng luôn túc trực 12 nhân viên và thường tăng cường thêm 4 nhân viên vào mùa Tết. Nhưng năm nay cửa hàng đã cắt giảm chỉ còn 6 nhân viên, mùa Tết này cũng không tuyển thêm", ông Tiến nói và cho biết lượng khách đến cửa hàng chỉ mới "lai rai", giảm hơn 50% so với cùng thời điểm này năm trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc marketing Saigon Co.op - cho biết vào mùa Tết năm trước, loại giỏ quà giá 199.000 đến 499.000 đồng tại hệ thống này bán chạy nhất. Tuy nhiên năm nay, hệ thống này lần đầu tiên ra mắt giỏ quà Tết với giá chỉ từ 99.000 đồng nhằm phù hợp với tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn.
"Dịp này siêu thị tung khoảng 40 mẫu giỏ quà Tết, áp dụng mức chiết khấu lên đến 8% so với giá gốc khi khách hàng đặt số lượng lớn. Sản phẩm trong giỏ quà Tết hầu hết là hạt các loại, mứt, trà, bánh kẹo, cà phê, rượu... có giá bán từ 99.000 đến 1.399.000 đồng", vị này cho hay.
Đại diện Công ty Duy Anh Foods (TP Hồ Chí Minh) cho biết dù cố gắng kìm giá bán bún, phở khô, bánh tráng ở mức dao động khoảng 36.000 - 55.000 đồng/kg tùy loại, nhưng sức mua của thị trường đến thời điểm này vẫn giảm 20 - 30% so với các năm, đơn hàng Tết cũng không nhiều như kỳ vọng.
Do vậy, có đơn hàng tới đâu, doanh nghiệp sẽ sản xuất tới đó, chứ không mạnh tay dự trữ nguồn nguyên liệu, sản phẩm như mọi năm. "Khách đã lấy hàng Tết nhưng vẫn có tâm lý thăm dò sức mua nên chọn chia từng đợt lấy hàng. Chúng tôi sẽ giữ giá bán xuyên suốt dịp Tết để kích thích thị trường", vị này thông tin.
Còn đại diện Công ty Vissan cho biết dù liên tục áp dụng chương trình khuyến mãi với mức giảm giá 20 - 40% nhưng sức mua vẫn thấp hơn 20 - 30% so với mọi năm, đặc biệt là sản phẩm tươi sống. Sức mua các mặt hàng chế biến giảm ít hơn nhưng khách cũng nhập hàng cầm chừng.
"Chúng tôi vừa nhìn thị trường vừa sản xuất, đơn hàng đặt tới đâu sản xuất tới đó, chứ không mạnh tay như mọi năm. Với kế hoạch sản xuất được chủ động, nhân công sẵn có, chúng tôi vẫn cam kết đủ nguồn cung với lượng lớn" - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, nói.
Theo các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn như C.P Việt Nam, Sài Gòn Foods... thì lượng lớn hàng Tết đã ra thị trường với giá bán giữ ổn định như năm ngoái, thậm chí một số mặt hàng có giá thấp, áp dụng nhiều khuyến mãi hơn năm ngoái.
Theo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, do sức mua chậm nên tổng lượng nông sản nhập chợ dịp cuối năm vẫn ở mức thấp, dao động 2.400 - 2.600 tấn/đêm (trong đó rau củ chiếm trên dưới 1.500 tấn, trái cây trên dưới 1.000 tấn, còn lại là hoa), giảm khoảng 15% so với lúc ổn định các năm.
Ông Nguyễn Nhu, Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, cho biết nhiều loại trái cây được trữ lạnh, trữ lâu như táo, nho, cherry... hay hàng gia vị như hành, tỏi... đã được nhiều thương nhân nhập về trữ để bán Tết. Tuy nhiên, lượng nhập không nhiều như các năm.
"Mọi năm sức mua tốt, thương nhân chủ động nhập hàng về trữ trước Tết nhiều tuần với sản lượng lớn. Nhưng năm nay, do dự báo nhu cầu trong Tết không tốt như mong đợi, nhiều người bán đã giảm lượng hàng trữ để tránh rủi ro", ông Nhu nói.
Theo đại diện ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, các thương nhân đã nhập hàng thủy sản về trữ đông để bán Tết nhưng với số lượng vừa phải chứ không dám mạnh tay như các năm.
Bà Nguyễn Thị Bích Đông, tiểu thương chợ Bình Điền, cho biết vừa nhập khoảng 700 - 800kg khô mực, cá để trữ bán Tết nhưng cũng rất hồi hộp. "Mối lái các tỉnh nhập hàng về trữ khá nhiều, nếu lượng bán ra không tăng mạnh, thương lái ôm hàng trữ có nguy cơ thua lỗ nặng", bà Đông e dè.
Theo Tuổi trẻ