5 năm qua, huyện Tứ Kỳ đã phát huy các lợi thế sẵn có, hỗ trợ phát triển thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên vùng đất bãi xã An Thanh hiện có khoảng 100 hộ khai thác rươi, cáy. Trong ảnh: Sau khi thu hoạch, rươi được rửa sạch để bảo quản
Trên cánh đồng thôn Bích Đồng, xã Quang Phục vào những ngày này, người dân đang kéo lưới thu hoạch cá. Anh Nguyễn Đình Toản ở thôn Bích Đồng chia sẻ: "Mỗi năm gia đình tôi cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn cá thương phẩm các loại, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng". Thật khó để hình dung toàn bộ cánh đồng trước đây là ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Năm 2015, 30 ha ruộng bỏ hoang ở đây đã được chuyển sang nuôi thủy sản tập trung (TSTT). Đến nay, vùng này đã đi vào sản xuất ổn định với sản lượng khoảng 400 tấn cá, doanh thu 12 tỷ đồng/năm. Xã Quang Phục hiện có 79 ha nuôi thủy sản, giá trị sản xuất đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, là điển hình về nuôi TSTT trong huyện. Mô hình nuôi TSTT còn phát triển ở nhiều địa phương khác, mang lại giá trị kinh tế cao. Xã Tân Kỳ đã hình thành 4 vùng nuôi TSTT rộng 160 ha, còn xã Hà Kỳ cũng có 64 ha nuôi TSTT. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các xã đã sử dụng nguồn đối ứng và nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng này.
Xác định tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, Huyện ủy Tứ Kỳ đã xây dựng và triển khai đề án "Xây dựng vùng sản xuất tập trung trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Thực hiện đề án này, huyện đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương phát triển thủy sản.
Việc dồn điền, đổi thửa tại các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tích tụ ruộng đất, đầu tư kinh phí để hình thành các vùng nuôi TSTT. Tứ Kỳ hỗ trợ 50% giá giống đối với mô hình nuôi TSTT mới. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp trên ao nổi được triển khai từ năm 2017 ở 9 xã gồm Tân Kỳ, Văn Tố, Quảng Nghiệp, Phượng Kỳ, Quang Phục, Cộng Lạc, Ngọc Kỳ, Đại Hợp và Quang Khải. Huyện đã hỗ trợ 50% giá giống và kỹ thuật cho 45 hộ tham gia mô hình. Đến nay, mô hình được nhân rộng ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, cho hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, hình thức nuôi cá lồng bè cũng được phát triển ở một số nơi. Đến nay, toàn huyện có 698 lồng nuôi, sản lượng đạt 2.800 tấn/năm.
Tứ Kỳ còn tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lợi từ thiên nhiên, nhất là khai thác rươi, cáy. Toàn huyện đã quy vùng được 6 vùng tập trung, bảo tồn, phát triển, khai thác đặc sản có quy mô từ 3-50 ha. Huyện hỗ trợ nông dân làm bờ vùng, thực hiện quy trình canh tác đặc biệt làm tăng độ tươi xốp, chất mùn trong đất, bảo tồn môi trường tự nhiên cho thủy sản phát triển. Nhiều hộ nông dân có thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm từ nuôi, khai thác rươi, cáy. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá đặc sản địa phương. Năm 2019, địa phương chọn 12 sản phẩm tham gia đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), trong đó gạo bãi rươi của Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới được xếp hạng 5 sao.
Huyện được tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng lúa hữu cơ, rươi, cáy xã An Thanh với diện tích 214 ha, kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Đây là vùng khai thác rươi, cáy lớn nhất tỉnh về quy mô và sản lượng. Trên vùng đất bãi An Thanh hiện có khoảng 100 hộ khai thác. Gần đây, người dân đã đầu tư bài bản ở vùng đất bãi như làm lại các tuyến đường, đắp bờ vùng, bờ thửa cho rươi, cáy sinh sôi. Địa phương cũng tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm rươi, cáy.
Việc thực hiện đề án "Xây dựng vùng sản xuất tập trung trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020” đã tạo luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp ở Tứ Kỳ. Sau 5 năm thực hiện đề án, huyện đã xây dựng được 138 vùng nuôi TSTT, mỗi vùng rộng từ 3 ha trở lên. Tứ Kỳ hiện có hơn 1.770,8 ha nuôi thủy sản, tăng gần 200 ha so với năm 2016; năm 2019 đạt gần 11.600 tấn cá thương phẩm, doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
THẢO NGUYỄN
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện dự kiến phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản của huyện đạt 180 triệu đồng. Tứ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, các loại thủy đặc sản, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, bảo đảm vệ sinh môi trường. |