Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có nỗ lực nhằm bảo đảm tự do internet.
Tuy nhiên, vẫn có cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí từ bên ngoài, đưa ra những đánh giá phiến diện, bóp méo thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do internet... Đây là những âm mưu hòng xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch; bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước. Thực tế này càng đòi hỏi cần phải có cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa
Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9.11.1946 đã hiến định tại điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hằng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Việt Nam được dự báo trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Việt Nam đứng đầu trên tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI), vượt xa các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức…
Ấy thế mà bất chấp những thực tế không thể phủ nhận nói trên, vẫn có cá nhân, tổ chức cố tình xuyên tạc bóp méo thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm tự do internet. Mới đây nhất, báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên mạng 2022) được tổ chức Freedom House (FH) công bố ngày 18.10.2022 đã xếp hạng Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia kém tự do internet nhất trên thế giới...
Có thể khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet. Đồng thời luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại cởi mở với các cơ quan, tổ chức quốc tế về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; để các cơ quan, tổ chức quốc tế có những nhận định, đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch, khách quan. Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế.
THU LAN