Một đội kỹ sư Nhật Bản đã đạt được tốc độ internet kỷ lục 402.000.000 Mbps khi sử dụng cáp quang tiêu chuẩn, gấp hơn 8 triệu lần tốc độ trung bình hiện nay.
Người dùng internet lớn tuổi có thể nhớ đến thời mà kết nối internet 56 kbps của dial-up đã được coi là nhanh. Sau đó, DSL xuất hiện vào đầu những năm 2000 và tốc độ cứ tăng theo cấp số nhân. Mới đây, một nhóm kỹ sư đã đạt được tốc độ truyền dữ liệu 402 Tbps bằng cáp quang tiêu chuẩn, nhanh đến mức có thể tải 500 bộ phim 4K 100 GB chỉ trong 1 giây.
Nhóm kỹ sư trên thuộc Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản (NICT) và họ không sử dụng bất kỳ công nghệ siêu cao cấp hoặc áp dụng khoảng cách vi mô trong phòng thí nghiệm – mà dùng 50 km cáp quang và bộ khuếch đại tín hiệu có bán trên thị trường. Với tốc độ cao nhất ước tính là 402 Tbps hoặc 50,25 TB/s, cao hơn khoảng 25% so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Statista, tốc độ trung bình của internet trên thế giới vào năm 2023 là khoảng 46,8 Mbps, tức là chưa tới 1/8,5 triệu lần tốc độ kỷ lục nói trên.
Cáp quang được sử dụng làm xương sống của Internet trên toàn thế giới và hoạt động bằng cách gửi thông tin kỹ thuật số thông qua tín hiệu hồng ngoại, ánh sáng và tia cực tím được điều chế. NICT đã sử dụng càng nhiều băng tần truyền tải càng tốt, cùng với các bộ khuếch đại tiên tiến và bộ cân bằng khuếch đại, để đạt được tổng băng thông tín hiệu là 37,6 THz. Để so sánh, băng thông đó cao hơn 100.000 lần so với băng thông mà WiFi 7 có thể sử dụng.
Tất nhiên, sẽ không có ai sớm đạt được kết nối băng thông rộng tại nhà ở mức 400 Tbps. Chi phí thiết lập hiện tại quá cao đối với người dùng phổ thông, nhưng sự phát triển này chắc chắn sẽ được toàn ngành quan tâm vì lượng dữ liệu truyền tải qua internet đang ngày càng lớn.
Các nhà nghiên cứu của NICT có tham vọng cuối cùng sẽ mở rộng phạm vi truyền dẫn đến những khoảng cách xuyên đại dương rộng lớn, nhưng sẽ cần phải thận trọng về kết quả trước mắt của thành tựu này. Mặc dù cáp quang tiêu chuẩn đã được sử dụng để lập kỷ lục thế giới mới, nhưng kỳ tích này đạt được nhờ vào điều kiện phòng thí nghiệm tối ưu.
Sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn và rất nhiều nguồn lực để tái tạo ngay cả một phần nhỏ của tốc độ truyền dữ liệu mang tính đột phá trên trong thế giới thực. Hơn nữa, liên kết tốc độ cao quá đắt để triển khai thương mại và cũng sẽ yêu cầu các cổng ethernet cùng với thiết bị lưu trữ tốc độ cao để xử lý.
T.H (theo VTC News)