Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài cuối: Lễ chào cờ đặc biệt

04/06/2022 05:42

Lễ chào cờ ở Trường Sa Lớn là một nghi thức quan trọng, để lại ấn tượng sâu sắc và nhiều xúc cảm đối với những người con từ đất liền đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

>>> Trường Sa - Pháo đài giữa biển
>>>
Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài 2: Nụ cười xứ Đông giữa biển cả
>>> Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài 3: Xúc động lễ tưởng niệm các chiến sĩ bảo vệ Gạc Ma


Đội hình Lữ đoàn 146 hải quân biểu dương lực lượng trong lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn

Đúng 14 giờ một ngày tháng 5, dưới ánh nắng chói chang của biển cả, hơn 250 đại biểu thuộc 11 địa phương, đơn vị của đoàn công tác số 5 cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa đã đứng nghiêm trang tại đường băng đảo Trường Sa Lớn. Nghi thức chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn càng thêm ý nghĩa khi diễn ra vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa.

Nghiêm! Chào cờ... Chào! Sau tiếng hô dõng dạc, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được những người lính đảo cất lên oai hùng, vang dội, át tiếng sóng biển ngoài xa: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...". 

Dưới Quốc kỳ, giọng một chiến sĩ vang lên hùng dũng: "Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam... Xin thề! Luôn luôn cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai. Xin thề!...".

Ngay sau những lời thề danh dự của người chiến sĩ hải quân là màn biểu dương lực lượng hùng hậu trong nền nhạc Tiến bước dưới quân kỳ trầm hùng của các đội hình Lữ đoàn 146 hải quân, dân quân tự vệ, nhân dân, học sinh... Không khí thật trang nghiêm. Những cánh tay giữ chặt trên ngực trái, ánh mắt đều hướng lên lá Quốc kỳ thiêng liêng đỏ thắm đang tung bay kiêu hãnh trên nền trời xanh thẳm. Có những giọt nước mắt đã rơi vì xúc động. Hẳn ai cũng thầm nghĩ, thật may mắn khi được dự một lễ chào cờ đặc biệt, ngay trên Trường Sa Lớn - nơi được mệnh danh là "Thủ đô của huyện đảo Trường Sa".

Những ngày này cách đây 47 năm, quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng. Kể từ đó đến nay, Trường Sa Lớn cũng như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngày càng được củng cố, khẳng định  vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Với sự quan tâm, động viên cả về vật chất, tinh thần của nhân dân mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài, quân và dân trên quần đảo ngày càng lớn mạnh, đủ đầy. Quần đảo Trường Sa tuy xa nhưng ngày càng gần với đất liền.

Lần đầu đến với Trường Sa, được dự một lễ chào cờ đặc biệt trên Trường Sa Lớn-một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chị Trần Hoàng Đang Thư, phóng viên trẻ của Báo Hậu Giang chia sẻ: "Đây là một lễ chào cờ đặc biệt ở một nơi đặc biệt. Tôi không thể nói gì hơn, chỉ biết rất cảm xúc, rất đỗi tự hào. Xin cảm ơn những người lính đảo đã cho chúng ta được đứng trên lãnh thổ quê hương giữa biển trời để nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay".

Cũng như chị Đang Thư, phóng viên Bùi Quý Hải của Đài Truyền hình Việt Nam xúc động nói: "Tôi nhiều lần đến với Trường Sa và đã đôi lần được tham dự lễ chào cờ. Cảm xúc thật khác lạ. Đó là cảm xúc tự hào và khâm phục ý chí kiên cường của những người lính đảo. Họ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, để hôm nay chúng ta được đứng trên mảnh đất thiêng liêng trên vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu".

Trường Sa Lớn là một hòn đảo xinh đẹp, hiền hòa, tràn đầy sức sống, nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa Biển Đông. Đây là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, có diện tích trên 48 ha. Do nằm gần xích đạo nên trong năm Trường Sa Lớn có tới 300 ngày nắng. Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm có giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân. Trên đảo hiện có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều công trình dân sinh như trường học, chùa, nhà khách...

Lịch sử của dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh của kẻ thù bên ngoài sử dụng đường biển làm hướng tiến công. Vì thế, biển đảo còn thì Tổ quốc còn. Những người con đất Việt dù ở nơi muôn trùng sóng gió, gian nan nhưng dòng máu yêu nước quật cường luôn cuộn trào trong huyết quản. Dòng máu ấy đã tô thắm và là điểm tựa vững chắc nơi đầu sóng cho lá cờ Tổ quốc tung bay khẳng định chủ quyền.

Trường Sa Lớn đẹp lắm và anh hùng lắm, như lời bài hát được một cô văn công cất lên trong đêm giao lưu văn nghệ: "Tôi muốn ôm ghì bãi san hô/ Vang vọng về con sóng Bạch Đằng giang/ Một màu xanh Sinh Tồn, Song Tử/ Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang...". Còn một chiến sĩ trẻ nào đó tôi không nhớ tên đọc to những câu thơ mà giống như một lời khẳng định: "Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây/ Ta đứng vững trên đảo to sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này...".

Trường Sa Lớn xa dần khi tàu KN490 tiếp tục hành trình. Nổi bật trên màu xanh bất tận ấy là lá Quốc kỳ đỏ thắm hiên ngang, kiêu hãnh. Hễ nghe Quốc ca, hễ thấy Quốc kỳ ở đâu là thấy quê hương Việt Nam ta ở đó! 

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường Sa - Pháo đài giữa biển - Bài cuối: Lễ chào cờ đặc biệt