LTS: Đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975-29.4.2022), Đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương thuộc Đoàn công tác số 5, theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh hải quân đã ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo này và Nhà giàn DK1/18.
Phóng viên Báo Hải Dương tham gia đoàn công tác ghi lại cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân ở các đảo, nhà giàn thiêng liêng này qua loạt bài "Trường Sa - Pháo đài giữa biển" khởi đăng từ số báo này.
Bài 1: Trường Sa xanh
Đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa
Tàu KN490 kéo 3 hồi còi trên Cảng quốc tế Cam Ranh, chào tạm biệt đất liền rồi nhằm Biển Đông thẳng tiến. Theo những người có kinh nghiệm đi biển, mùa này trời yên, biển lặng, mặt biển êm như mặt hồ nên đoàn công tác số 5 ra thăm quân - dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/18 sẽ được hải lộ bình an.
Tàu KN490 của Kiểm ngư Việt Nam lần này thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân đưa đoàn công tác số 5 ra Trường Sa. Cùng với đoàn của tỉnh Hải Dương, trên tàu còn có các thành viên của 11 địa phương, đơn vị. Nhìn từ xa, tàu giống như một khách sạn lớn êm trôi trên mặt biển. Qua Cửa Lớn của Cảng quốc tế Cam Ranh, sóng lớn hơn song con tàu vẫn giữ nguyên tốc độ. Sau 36 giờ hải trình liên tục, vượt 325 hải lý (tương đương với khoảng 593 km) tàu đến đảo Sinh Tồn.
Đúng 10 giờ 30 ngày 28.4.1975, Sinh Tồn hoàn toàn giải phóng. Xã đảo ngày nay thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), đã được Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều công trình dân sinh như chùa, nhà văn hóa, nơi ở, nơi làm việc, hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhà kính trồng rau...
Màu xanh mướt của cây, rau giữa màu xanh ngút ngàn của biển trời Tổ quốc ở Sinh Tồn và nhiều đảo của quần đảo Trường Sa như Núi Le, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Lớn... đã được đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức, máu xương của các thế hệ cha anh kiên cường đi trước và hiện tại. Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tiến ra đảo Sinh Tồn vào tháng 7.2021. Chàng trai sinh năm 2003 quê ở Hàm Thuận Nam (Ninh Thuận) lâu nay đã lấy vườn rau trên đảo làm bầu bạn để vơi nỗi nhớ quê nhà. Ở đây rau ngót, muống, dọc mùng, mướp... dưới bàn tay của các chiến sĩ luôn xanh mướt. Còn chiến sĩ Phan Anh Hùng (sinh năm 1997) quê ở Quảng Ngãi mới ra đảo từ tháng 1 năm nay. "Ban đầu thấy đảo có nhiều cây và rau xanh tôi nghĩ đảo có nước ngọt. Ở một thời gian mới biết ở đây chỉ có nước lợ. Rau được tưới bằng nước này kết hợp nước mưa. Ở nhà tôi chưa từng chăm sóc rau, nhưng ra đây việc này đã trở thành quen thuộc. Cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân trên đảo cơ bản có đủ rau xanh ăn", anh Hùng nói.
Dưới bàn tay chăm chút của các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, những vườn rau luôn lên xanh tốt
Trên hầu hết các đảo ở quần đảo Trường Sa chỉ phù hợp với những loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, muống biển, bão táp, bàng vuông... nên để có được những vườn rau xanh tốt là cả một sự cố gắng rất lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Thượng úy Bùi Đức Hiếu trên đảo Đá Lát cho biết từ các quy trình phơi đất, ủ đất, ủ phân, che chắn gió, chống sương muối... đều được phân công chiến sĩ đảm nhận. Những hạt rau mang ra từ đất liền ban đầu còi cọc, giờ đã quen khí hậu và được chăm nom chu đáo nên xanh tốt quanh năm. Rau ở Đá Lát đủ cung cấp cho bộ đội.
Màu xanh không chỉ có trên các đảo mà còn hiện hữu ở các nhà giàn giữa biển. Khi đặt chân lên Nhà giàn DK1/18 thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ai cũng ngạc nhiên khi những "luống" rau xanh mơn mởn được treo quanh các lan can hứng nắng gió vào từ biển. Ở đây, từng chút nước mưa được dồn góp, từng chút nước tắm giặt được để dành ươm những mầm xanh.
Những "luống rau" trên Nhà giàn DK1/18
Đến các đảo, nhà báo Phong Nguyên của Báo Nhân Dân thường trú tại Khánh Hòa đều dành thời gian vào thăm bếp ăn chiến sĩ và ghi lại nhiều cảm xúc. Nhà báo Phong Nguyên nói: "Tôi đã đến Trường Sa rất nhiều lần, lần nào cũng xúc động vì các đảo có nhiều đổi thay. Những vườn rau được các chiến sĩ chăm sóc kỹ lưỡng để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày. Trên mâm cơm không khi nào thiếu màu xanh của các loại rau như mùng tơi, bầu đất, rau muống hay rau gia vị...".
Tại Trường Sa thời tiết rất khắc nghiệt, mỗi năm bình quân có 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên. Quần đảo Trường Sa nằm trên đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương... Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển phía nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía đông của đất nước. Vị trí này tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.
Trong chuyến công tác này có thiếu tá Nguyễn Thùy Liên, phóng viên Báo Hải Quân đã 3 lần đến với Trường Sa. Theo chị Liên, mỗi lần đặt chân lên các đảo là một cảm xúc khác nhau và ấn tượng nhất đối với chị là màu xanh trên các đảo hòa vào màu xanh của trời, biển. Màu xanh luôn song hành với sức sống trên các đảo, nhà giàn cho thấy cán bộ, chiến sĩ, nhân dân luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương.
Trong chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/18 và phối hợp tuyên truyền về biển, đảo vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, Đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương thuộc Đoàn công tác số 5, theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh hải quân. Đoàn gồm có 17 thành viên là lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương, phóng viên, ca sĩ, tuy nhiên trước khi lên tàu có 3 thành viên bị mắc Covid-19 và phải ở lại đất liền. Trước khi ra Trường Sa, đoàn đã tổ chức thăm, tặng quà gia đình cán bộ, chiến sĩ người Hải Dương đang công tác tại các điểm đảo, nhà giàn. Tại Khánh Hòa, đoàn đã đến thăm, tặng quà Vùng 4 Hải quân; dâng hương tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma; tham quan Căn cứ quân sự Cam Ranh. Trong chuyến công tác, Đoàn cán bộ tỉnh đã tặng Quân chủng Hải quân 1 xuồng CQ trị giá 3,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; tặng quà, đặc sản Hải Dương, hạt giống và tiền mặt; trao cờ, USB các bài hát về Hải Dương... tại các đảo, nhà giàn đoàn đến thăm. |
TIẾN HUY