Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ lạc quan về cuộc gặp lần hai bởi quan hệ hai nước phát triển tương đối ổn định kể từ sau lần hội ngộ tại Vũ Hán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 28.4.2018
Trong hai ngày 11 - 12.10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở khu nghỉ dưỡng ven biển Mamallapuram tại thị trấn duyên hải ở bang Tamil Nadu, cách Chennai 55 km. Cuộc gặp là cơ hội để lãnh đạo hai nước định hình lại quan hệ song phương trong bối cảnh mới tại khu vực và thế giới.
Không có chương trình nghị sự cụ thể
Cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần hai giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiếp nối sau cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 28.4.2018.
Trong chương trình cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ bay đến Chennai vào chiều 11.10, sau đó sẽ cùng Thủ tướng Ấn Độ Modi đi thăm các ngôi đền di sản ở Mamallapuram được xây dựng từ triều đại Pallava vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Hai nhà lãnh đạo sẽ tham dự một chương trình văn hóa trước khi Thủ tướng Modi mời Chủ tịch Tập Cận Bình dùng bữa tối.
Tương tự cuộc gặp không chính thức đầu tiên tại Vũ Hán, cuộc gặp lần này sẽ không có chương trình nghị sự cụ thể. Theo các nguồn tin, 12.10 sẽ là ngày làm việc chính giữa hai nhà lãnh đạo, bao gồm một cuộc gặp trực tiếp không có chương trình nghị sự từ trước ở khuôn viên khu nghỉ dưỡng 5 sao Mamallapuram. Tổng thời gian của cuộc gặp thượng đỉnh lần hai này sẽ ngắn hơn lần đầu tiên và nội dung thảo luận được cho là sẽ trao đổi nhiều vấn đề, tập trung vào kinh tế, giao lưu nhân dân, hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao năm 2020 và chống khủng bố.
Thượng đỉnh Chennai cũng được trông đợi sẽ mang lại tín hiệu tốt lành về giải pháp tranh chấp biên giới, định hướng cho vòng đàm phán biên giới lần thứ 22 giữa hai nước, dự kiến diễn ra cuối năm, biện pháp duy trì hòa bình trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) và gia tăng xuất khẩu hàng Ấn Độ sang Trung Quốc nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Trên tinh thần cuộc gặp tại Vũ Hán, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đưa vấn đề nhạy cảm như Kashmir vào nội dung trao đổi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Kashmir không phải là chủ đề thảo luận tại cuộc gặp lần này.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể kêu gọi đẩy nhanh tiến bộ triển khai Hành lang Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar. Ấn Độ cũng hy vọng đạt tiến triển trong dự án Hành lang Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar vốn nằm ngoài Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Ấn Độ kiên quyết phản đối. Diễn biến mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là chủ đề cùng quan tâm tại cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc.
Hai bên cũng sẽ tiến hành cuộc hội đàm cấp phái đoàn và một bữa trưa riêng giữa hai nhà lãnh đạo. Sau cuộc hội đàm, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Báo chí Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm, so sánh cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo lần này với cuộc gặp lịch sử giữa cố Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi và cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1988. Việc hai nhà lãnh đạo hội đàm được nhìn nhận như “động thái ngoại giao thông minh” của Trung Quốc và Ấn Độ, mở ra hy vọng cho các mối quan hệ thân thiện và giúp hai bên xây dựng lòng tin.
Trung Quốc và Ấn Độ cùng kỳ vọng
Trước cuộc gặp lần này, đã có nhiều đồn đoán về khả năng có diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần này hay không tiếp sau một loạt căng thẳng giữa hai nước kể từ tháng 8 vừa qua liên quan đến vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ lạc quan về cuộc gặp lần hai bởi quan hệ hai nước phát triển tương đối ổn định kể từ sau lần hội ngộ tại Vũ Hán. Sau cuộc gặp ở Vũ Hán, hai bên đã đẩy mạnh triển khai 10 trụ cột hợp tác bao gồm giao lưu văn hóa, thanh niên, giữa các địa phương cũng như đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực điện ảnh - truyền hình, bảo tàng, thể thao, du lịch, y học cổ truyền, yoga và giáo dục. Hai bên cũng đã có nhiều trao đổi thông qua các cuộc gặp cấp lãnh đạo tại Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Bishkek (Kyrgyzstan) và Thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). Chính vì vậy, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đặt nhiều kỳ vọng về cải thiện quan hệ trong cuộc gặp lần này.
Với Trung Quốc, về mặt kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra nhiều thách thức: nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá sinh hoạt leo thang, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng. Quan trọng hơn, cuộc chiến có thể làm chậm kế hoạch thực hiện được Giấc mơ Trung Hoa vào năm 2021 và Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025. Do vậy, Ấn Độ với thị trường khồng lồ và cơ hội đầu tư lớn, là thay thế không nhỏ đối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang gặp phải vấn đề nội bộ, khi sinh viên và giới trí thức công khai chỉ trích chính quyền, cựu chiến binh tham gia biểu tình, chiến dịch chống tham nhũng gây ra sự bất bình trong nhiều giới. Việc xử lý vấn đề Hongkong cũng cho thấy rạn nứt trong nội bộ và sự suy yếu của Trung Quốc, ngoài những vấn đề đã tồn tại từ lâu như Tây Tạng và Tân Cương.
Do vậy, Trung Quốc không muốn vướng thêm rắc rối, nhất là với một Ấn Độ có tiềm lực lớn và không ngại Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh không muốn đẩy New Delhi đi xa hơn nữa với Washington, gây bất lợi cho Trung Quốc về tương quan lực lượng.
Đối với Ấn Độ, Trung Quốc vừa là nước lớn, vừa là nước láng giềng cùng chung biên giới. Do vậy, Trung Quốc chắc chắn vẫn là ưu tiên đối ngoại cao nhất của Ấn Độ. Về mặt kinh tế, với thương mại hai chiều vượt 70 tỷ USD và triển vọng đầu tư lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ hiểu rõ cơ hội kinh tế mà Trung Quốc có thể mang lại, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
New Delhi cũng chủ trương đối thoại với Bắc Kinh để xử lý các bất đồng song phương, đặc biệt là tranh chấp biên giới, quan hệ chính trị và kinh tế chiến lược ngày một sâu sắc giữa Trung Quốc - Pakistan, cùng việc Trung Quốc đang xâm nhập vào khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, vốn được coi là sân sau của Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi thấy rằng sẽ không có lợi khi đối đầu với Trung Quốc.
Mặt khác Ấn Độ cũng cần quan hệ với Trung Quốc để tạo thế trong quan hệ với Mỹ. Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Narendra Modi chắc chắn sẽ tự tin hơn trong triển khai chính sách “Tự chủ chiến lược”. Theo đó, Ấn Độ tiếp tục duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn, không đối đầu, nhưng cũng giữ khoảng cách, không đi hẳn với nước nào. Sách lược này sẽ giúp Ấn Độ không bị ràng buộc hay lệ thuộc, đảm bảo quyền tự do hành động và luôn có dư địa cho điều chỉnh quan hệ khi cần thiết, sẵn sàng sử dụng quan hệ với nước này để làm đòn bẩy trong quan hệ với nước khác.
Nếu căn cứ vào mức độ quan tâm của cả Trung Quốc và Ấn Độ như trên, kỳ vọng về tiến bộ trong cuộc gặp không chính thức giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình lần này là có cơ sở, dù hai bên có thể phải đánh đổi lợi ích trong một số vấn đề không bị coi là cốt lõi.
Nhưng khó có kết quả cụ thể
Theo các nhà phân tích, thượng đỉnh không chính thức lần hai giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như tạo ra nhiều kỳ vọng. Song nếu xem xét kỹ bản chất cạnh tranh và những diễn biến mới gần đây trong quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á, cuộc gặp không chính thức lần này giữa lãnh đạo hai nước sẽ khó có thể mang lại những kết quả cụ thể.
Một thực tế là Ấn Độ và Trung Quốc luôn tồn tại những mâu thuẫn lớn và khó kiểm soát. Hai nước vẫn còn tranh chấp nhiều khu vực lãnh thổ, với tổng diện tích lên tới 120.000 km2. Sau 21 vòng đàm phán biên giới song phương, hai bên mới dừng lại ở những nguyên tắc chung nhất và ngay cả thỏa thuận trao đổi bản đồ cũng chưa thực hiện được. Trong khi đó, Trung Quốc không những tỏ ra ngày càng quyết đoán hơn trong vấn đề biên giới, thể hiện rõ qua vụ Doklam tháng 6-2017, mà còn chối bỏ mọi giải pháp để kéo dài tình trạng tranh chấp treo lơ lửng trên đầu Ấn Độ, nhằm gây áp lực chiến lược và tạo lợi thế mặc cả trong quan hệ song phương.
Một thách thức chiến lược nữa với Ấn Độ là việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại sân sau của Ấn Độ là khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. New Delhi luôn luôn từ chối tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) vì lo ngại Bắc Kinh dùng BRI để bao vây và kiềm chế. Trung Quốc cũng không ngừng tận dụng quan hệ với Pakistan để đối phó với Ấn Độ. New Delhi đặc biệt lo ngại việc Bắc Kinh triển khai Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) để xâm phạm lãnh thổ, tăng cường hạ tầng cơ sở quân sự ở Tây Tạng nhằm gây áp lực đối với Ấn Độ tại biên giới.
Với chính sách “Láng giềng trước tiên", Ấn Độ hiện có thể tạm an tâm với thay đổi nội bộ có lợi cho Ấn Độ tại Sri Lanka và Maldives. Song Nepal hầu như đã rơi vào tình trạng “bình thường mới” khi thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào Ấn Độ và xích lại gần Trung Quốc hơn. Ngay sau chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Nepal chứng kiến lễ ký loạt thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận cho phép Trung Quốc xây dựng đường nối Kathmandu với Kerung, Tây Tạng.
Trên trường quốc tế, Bắc Kinh cũng phản đối Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG). Do vậy, Ấn Độ vẫn coi Trung Quốc là thách thức đối ngoại lớn nhất.
Ngược lại, Trung Quốc lo ngại Ấn Độ tăng cường quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc, sau khi Washington và New Delhi ký Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA), Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) và có thể cả Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) nhằm phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước. Bắc Kinh dè chừng việc New Delhi mở rộng ngoại giao hải quân với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tham gia Tứ giác kim cương về hợp tác an ninh hàng hải với Washington, Canberra và Tokyo.
Trung Quốc cũng không hài lòng trước những tuyên bố gần đây của Ấn Độ về Biển Đông, phát biểu của Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Mỹ, tập trận gần đây của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp ở Ladakh và Arunachal Pradesh hay bình luận về Tây Tạng, Đài Loan.
Như vậy, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ là mối quan hệ cạnh tranh và có quá nhiều vấn đề gai góc. Cả hai bên đều không muốn từ bỏ lập trường lâu nay đối với các lợi ích cốt lõi của mình. Do vậy, cuộc gặp không chính thức lần 2 này khó đạt kết quả cụ thể.
Song một cuộc gặp cấp cao giữa hai nước lớn, dù chính thức hay không chính thức, luôn là sự kiện thời sự quan trọng và ẩn chứa nhiều kỳ vọng cho mối quan hệ song phương. Cuộc gặp không chính thức lần hai giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới đây cũng đang tạo ra kỳ vọng như vậy.
Theo TTXVN