Bình luận

Sự leo thang nguy hiểm

H.A (theo Vietnam+) 14/04/2024 19:14

Việc Iran phóng hàng chục máy bay không người (UAV) sang lãnh thổ Israel rạng sáng 14/4 (giờ Việt Nam) để đáp trả vụ việc mà Tehran cho rằng Israel tấn công tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria cách đây hai tuần đánh dấu sự leo thang nguy hiểm mới tại Trung Đông trong bối cảnh chảo lửa này đang nóng lên từng ngày.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024

Lực lượng Phòng vệ Israsel (IDF) đã xác nhận Iran tấn công, thông báo đóng cửa không phận, cảnh báo sẽ có sự gián đoạn GPS khi quân đội tiến hành chặn các máy bay không người lái. Báo Times of Israel đưa tin cuộc tấn công của Iran huy động hơn 100 UAV và hàng chục tên lửa.

Ngay lập tức, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran và sẽ đáp trả tương xứng, khẳng định các hệ thống phòng thủ của Isreal đã được triển khai và quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, cả về phòng thủ lẫn tấn công.

Kênh truyền hình Channel 12 đưa tin Nội các Chiến tranh của Israel ngày 14/4 đã được Nội các An ninh nước này trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc Nội các Chiến tranh - bao gồm 3 thành viên: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Benny Gantz - sẽ không cần hỏi ý kiến Nội các An ninh trước khi đưa ra các hành động đáp trả nhằm vào Iran.

Về phần mình, theo truyền thông Iran, đã có khoảng 50 UAV được phóng đi. Phái đoàn ngoại giao Iran tại LHQ tuyên bố hành động quân sự của Tehran là nhằm đáp trả cuộc tấn công mà họ cáo buộc Israel thực hiện vào các cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria và ở Damascus và Mỹ nên đứng ngoài cuộc xung đột này.

Bộ Quốc phòng Iran yêu cầu các nước không mở không phận để cho phép Israel tấn công vào lãnh thổ nước này, nếu không "sẽ nhận được đáp trả mạnh mẽ". Iraq cũng đã đóng cửa không phận và ngừng mọi hoạt động bay nội địa. Jordan, quốc gia nằm giữa Iraq và Israel trước đó cũng đóng cửa không phận. Sau đó cùng ngày, phái đoàn thường trực Iran tại LHQ thông báo cuộc tấn công nhằm vào Israel “có thể được coi là đã kết thúc”, tuy nhiên để ngỏ các phản ứng nghiêm khắc hơn nhiều nếu quyền Israel phạm một sai lầm khác.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến leo thang nguy hiểm này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các bên "lập tức chấm dứt hành động thù địch", kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông. Ông tái khẳng định khu vực và thế giới sẽ không thể chịu thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa.

Các nước trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ xung đột Iran- Israel leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Ai Cập phát thông cáo kêu gọi các bên "kiềm chế hết mức để khu vực và người dân các nước trong khu vực không phải chịu đựng thêm bất ổn và căng thẳng". Italy, nước tiếp giáp Địa Trung Hải và thường chịu tác động từ căng thẳng địa chính trị, làn sóng tị nạn do xung đột ở Trung Đông, tỏ ý lo ngại về diễn biến lần này. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết đang theo dõi sát sao cuộc xung đột "với sự chú tâm và lo lắng". Chính phủ Italy tuyên bố sẵn sàng "đối phó mọi kịch bản".

Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã phản ứng mạnh mẽ. Mỹ đã cử một tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và 2.500 lính thủy đánh bộ tới Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ của Mỹ tại Iraq cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao và sẽ bắn hạ tên lửa và UAV nhằm vào Israel. Ngoài ra, Mỹ còn có 2 tàu khu trục và một tàu tuần dương ở Biển Đỏ được trang bị đầy đủ vũ khí chống tên lửa đều đã được lệnh bắn hạ mọi tên lửa hoặc UAV trên đường hướng tới Israel.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nhắc lại sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với an ninh của Israel. Bà này khẳng định Washington hỗ trợ đồng minh Israel trước những mối đe dọa từ Iran và cho biết ông Biden được cập nhật thường xuyên về tình hình chiến sự.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng đây là “cấp độ mới” về căng thẳng an ninh, cho rằng "Iran đang liều lĩnh trong hành động leo thang quân sự”. Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng đây là “sự leo thang chưa từng có” và "đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực”. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Trong khi đó, Nga đã nhắc lại vụ tấn công cho là do Israel thực hiện nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao của Iran tại Syria và đưa ra Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ dự thảo thông cáo tương ứng với tuyên bố dành cho báo chí.

Các diễn biến mới này là đỉnh điểm của một tuần đặc biệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông vốn luôn bất ổn. Việc Iran tuyên bố tấn công các lợi ích của Israel trên thế giới kéo theo nguy cơ làm leo thang chiến tranh ở Gaza, thậm chí có thể lan sang cả nước Mỹ. Giới quan sát nhận định với cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, những diễn biến nguy hiểm này càng khiến nguy cơ về một cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông trở nên cận kề hơn dù Iran tuyên bố "cuộc tấn công đã kết thúc".

Vụ tấn công UAV của Iran có thể coi là lời nhắc nhở nghiêm khắc của nước này rằng Israel cần thận trọng hơn trong mỗi bước đi tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh của mình. Hơn lúc nào hết, LHQ và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đoàn kết, có các bước đi khẩn cấp để hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tiến hành hòa đàm và giữ “cái đầu lạnh” trong mỗi lựa chọn để hạn chế tối đa những quyết định sai lầm, đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực nguy hiểm mới, gây tổn hại tới dân thường, tàn phá khu vực và đe dọa hòa bình, an ninh thế giới.

H.A (theo Vietnam+)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự leo thang nguy hiểm