Động thái hải quân Ấn Độ khánh thành căn cứ mới INS Jatayu trên đảo Minicoy vào đầu tháng 3 vừa qua chính là một bước đi nhỏ nhưng giữ vị trí quan trọng, khi giúp củng cố phòng tuyến chiến lược của người Ấn trong thế trận mới ứng phó với Trung Quốc.
Bối cảnh các diễn biến xung đột vẫn đang phức tạp ở Biển Đỏ đã tạo thời cơ để Trung Quốc triển khai hiệu quả "chiến lược Hai đại dương", trở thành một trong các thế lực chủ chốt đảm bảo an ninh hàng hải cho tuyến đường huyết mạch từ vịnh Aden đến vịnh Oman sát với khu vực "sân nhà" của Ấn Độ.
Tuy nhiên, dường như Ấn Độ đã có sự quan sát kỹ lưỡng để không chỉ kịp thời triển khai các biện pháp đối trọng với chiến lược mới của Trung Quốc, mà còn chủ động mở rộng thế trận "xâm lấn ngược" sang các khu vực hàng hải thuộc về "sân nhà" của Trung Quốc.
Giai đoạn cuối năm 2023 là thời điểm đánh dấu các hoạt động sôi nổi của Lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân số 44 của Trung Quốc ở khu vực khi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi bắt đầu leo thang, ảnh hưởng tuyến hàng hải từ Biển Đỏ qua vịnh Aden đến vịnh Oman tiếp giáp phía tây Ấn Độ Dương.
Trong bối cảnh đó, động thái chuyển giao quyền lực ở Nam Á khi tân Tổng thống Maldives M. Muizzu lên nắm quyền từ giữa tháng 11/2023 với chiến dịch "Ấn Độ ra đi (India out)" lại tiếp tục mở đường cho sự "xâm lấn ảnh hưởng" theo hướng trục của Trung Quốc ở Nam Á.
Đến tháng 2 năm nay, sau khi ấn định thời hạn ép buộc 89 nhân viên thuộc các lực lượng của Ấn Độ đang triển khai ở Maldives phải rút khỏi quốc đảo này, Maldives đã cho phép tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 3 thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc được cập cảng ở thủ đô Male để chứng tỏ sự "nồng ấm" của trục Trung Quốc - Maldives.
Từ trục quan hệ với Maldives, Trung Quốc lập tức mở rộng hợp tác quốc phòng với cả Sri Lanka và Nepal - nhóm quốc gia láng giềng trọng yếu ở Nam Á của Ấn Độ - qua chuyến thăm của phái đoàn quân sự cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ ngày 4 đến 13/3 vừa qua.
Chuyến thăm "bộ ba" Maldives - Sri Lanka - Nepal cũng đánh dấu thắng lợi của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng vốn được xem là vùng ảnh hưởng tuyệt đối của Ấn Độ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn hoàn thành được thế trận đa phương trong khu vực khi tổ chức thành công Diễn đàn khu vực Trung Quốc - Ấn Độ Dương về Hợp tác kinh tế xanh lần thứ 2 vào đầu tháng 12/2023.
Diễn đàn này xác nhận Trung Quốc đã thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác đối thoại với 23 nước ở Ấn Độ Dương, tương đương với tổng số thành viên trong Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) do Ấn Độ hậu thuẫn.
Kết hợp với thế trận đa phương bên ngoài khu vực được thể hiện thông qua cuộc tập trận Vành đai an ninh biển giữa ba bên Trung Quốc - Nga - Iran ở vịnh Oman (từ 12 - 14/3), có thể thấy hiện sự tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đang được kiến tạo hiệu quả từ vịnh Aden đến biển Ả Rập.
Nếu so sánh với thông tin cho thấy khối Đồng minh tứ cường (QUAD) mà Ấn Độ tham gia có xu hướng "bỏ rơi" phần phía tây của Ấn Độ Dương nói trên khi không đề cập đến vùng biển này trong Sáng kiến Nhận thức miền hàng hải (IPMDA) thì đã đủ để nhận ra cán cân ảnh hưởng ở đây đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
Trên thực tế, tình hình lại cho thấy Ấn Độ vẫn đang hành động kịp thời và giữ được lợi thế tuyệt đối trên "sân nhà" của mình. Điều này phụ thuộc vào sự thấu hiểu đối với chiến lược "phòng bị nước đôi" mà chính phủ mới ở Maldives đang thực hiện để cân bằng lại chiến lược "Ấn Độ trước tiên (India first)" trước đó.
Dù có nhiều biện pháp bị xem là "xác định lại" quan hệ với Ấn Độ, nhưng Tổng thống M. Muizzu luôn đảm bảo "không muốn phá vỡ quan hệ với New Delhi bằng cách thay thế quân đội Ấn Độ bằng lực lượng Trung Quốc".
Việc Maldives vẫn tham gia diễn tập tuần duyên chung với Ấn Độ và Sri Lanka vào cuối tháng 2 vừa qua cho thấy rõ Ấn Độ nhận thức được "thế cân bằng mới" mà các nước Nam Á hải đảo đang thực hiện ở Ấn Độ Dương.
Căn cứ INS Jatayu mới thiết lập chỉ cách Maldives 130km đồng thời cũng tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải chung cho tuyến đường huyết mạch đảm nhận vận tải dầu thô từ Trung Đông đến Đông Nam Á.
Không chỉ vậy, Ấn Độ còn phục hồi các dự án về tam giác năng lượng với các quốc gia Nam Á hiện đang nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Điển hình là tứ giác dầu khí giữa Ấn Độ - Pakistan - Afghanistan - Turkmenistan (dự án TAPI) được phục hồi từ tháng 6-2023, hay tam giác năng lượng mới đây giữa Ấn Độ - Nepal - Bangladesh được ký kết từ tháng 12-2023.
Thêm vào đó, ngoài sự tăng cường tham gia khối QUAD với chuỗi hoạt động tập trận Malabar ở khu vực đông Ấn Độ Dương, Ấn Độ còn phát huy rất tốt "tư duy nước đôi" của Nga khi quyết tâm "hồi sinh" tuyến hành lang hàng hải Vladivostok - Chennai kết nối từ Ấn Độ Dương qua Đông Nam Á đến Đông Bắc Á từ tháng 1/2023.
Và mới đây nhất, Ấn Độ đã triển khai đối thoại công nghệ ba bên Mỹ - Ấn - Hàn vào giữa tháng 3/2024, làm trỗi dậy quan ngại về sự định hình một tam giác Ấn - Nhật - Hàn ở ngay "sân nhà" Đông Bắc Á của Trung Quốc.
Nhìn chung, động thái khánh thành căn cứ hải quân mới INS Jatayu là một chỉ dấu cho thấy Ấn Độ đang cần củng cố phòng tuyến ở phía tây Ấn Độ Dương để có thể đẩy mạnh các hướng "xâm lấn ngược" ảnh hưởng của Trung Quốc ở tuyến đường từ đông Ấn Độ Dương đến tận Đông Bắc Á.
Thế trận cạnh tranh Ấn - Trung trên biển vì vậy sẽ có nhiều chuyển biến quan trọng trong thời gian tới.