Trọn nghĩa, vẹn tình với đất nước

20/07/2022 05:42

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử ở các chiến trường để giành nền độc lập cho dân tộc, những người có công với cách mạng của Hải Dương tiếp tục góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng và đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy trao kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình ông Lê Văn Thư, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở xã Đồng Quang (Gia Lộc)                                                                                              

Những người có công (NCC) của Hải Dương đang tiếp nối truyền thống anh hùng trong thời chiến, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp trong thời bình.

Xông pha thời chiến

Ký ức về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ vẫn không phai đối với cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành ở khu 1, thị trấn Thanh Hà. Ông là một trong 100 người được chọn tham gia lễ tôn vinh NCC tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Lật giở từng trang nhật ký, mở từng kỷ vật thời chiến, ông Thành rưng rưng: "Chiến trường miền Đông Nam Bộ ngày ấy quá khốc liệt. Có những đợt bom đạn dội ngày đêm. Bữa cơm hôm trước còn đủ 5 người thì hôm sau chỉ còn 3 người. Ngày đó, tôi xác định đi là không trở về nên sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc".

Đôi tay đã không còn lành lặn nên mỗi khi trái gió, trở trời, thương binh Vũ Trọng Quận ở khu dân cư số 2, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) lại phải gắng gượng chiến đấu với bệnh tật. Ông Quận bảo những đau đớn của mình chưa là gì so với những hy sinh, mất mát của đồng đội. Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng thị xã Bình Long (Bình Phước) năm 1972 là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông. Ngày đó Bình Long được gọi là “thị xã đổ máu” bởi nơi ấy nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. "Sự hy sinh của đồng đội đã tiếp sức mạnh cho chúng tôi chiến đấu, bám trụ đến giây phút cuối cùng”, ông Quận nói.

NCC là nhân chứng sống về một thời cả đất nước vượt qua mất mát, đau thương để bảo vệ từng tấc đất, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ở hậu phương có những người mẹ vừa mất chồng vài tháng đã nhận được giấy báo tử của con. Không ít người vợ chỉ được gặp mặt chồng chóng vánh đã phải tiễn các anh lên đường mà không hẹn ngày về. 

Cống hiến thời bình

Trong thời bình, những NCC với cách mạng lại tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động của địa phương, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Bệnh binh Đỗ Huy Vạn ở thôn Nhuế Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) là một người như thế. Anh Nguyễn Văn Miền, công chức văn hóa-xã hội xã An Sơn nhận xét: "Hiếm có người nào nhiệt huyết với phong trào địa phương như ông Vạn. Trở về sau chiến tranh, ông lấy vợ rồi sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái). Năm 2002, một người con trai của ông bị mất khi tham gia phòng chống lụt bão tại địa phương. Người con trai thứ hai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Không đầu hàng khó khăn, ông Vạn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Trong hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19, ông là thành viên tích cực của Tổ "Covid cộng đồng". Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông tham gia trực chốt kiểm soát dịch ngày đêm. Hiện nay, dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn tình nguyện hỗ trợ Trạm Y tế xã tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ông Vạn cho biết: "May mắn được trở về lành lặn, chúng tôi luôn tâm niệm phải tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, bảo vệ thành quả nền độc lập mà thế hệ cha anh và những người lính như chúng tôi phải vất vả, hy sinh mới có được".

Ông Vạn là người tham mưu cho xã An Sơn thành lập các Tổ NCC. Bản thân ông cũng đang là Tổ trưởng Tổ NCC của thôn Nhuế Sơn. Tổ có 25 thành viên thường xuyên hỗ trợ gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng đợt vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm nay, Tổ NCC thôn Nhuế Sơn đã đóng góp gần 3 triệu đồng.


Thời gian qua, người có công của Hải Dương được quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng. Trong ảnh: Người có công của huyện Tứ Kỳ được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh


Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến cho độc lập dân tộc, NCC của Hải Dương hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng hỗ trợ người nghèo tại địa phương vượt khó, thoát nghèo, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đó là bà Nguyễn Thị Cải, vợ liệt sĩ Trần Văn Tư ở xã Tứ Cường (Thanh Miện), trọn nghĩa thờ chồng, nuôi dạy các con ăn học thành người. Bà gương mẫu hiến đất làm đường, tham gia xây dựng nông thôn mới, được Trung ương khen thưởng. Đó là bệnh binh Vũ Đức Thiển ở xã Cổ Bì (Bình Giang), tấm gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi thời bình, 3 lần được UBND tỉnh khen thưởng hay cựu chiến binh Phạm Văn Lập ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ hộ nghèo của thôn gần 300 triệu đồng…

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, NCC với cách mạng trong tỉnh luôn nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Họ là những tấm gương điển hình trong công tác, học tập, lao động, xây dựng nông thôn mới, nghĩa tình đồng đội, vượt khó vươn lên làm giàu... Không ít NCC đã phát huy tốt vai trò của điển hình tiên tiến, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực chăm lo đời sống NCC, gia đình chính sách. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được tổ chức nhằm tri ân những NCC với cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay “Uống nước nhớ nguồn” góp sức xây dựng quê hương.

Hải Dương có gần 40.000 liệt sĩ, gần 22.000 thương binh và 10.483 bệnh binh. Toàn tỉnh có hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 53 mẹ còn sống. Có 38 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; gần 1.000 người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hơn 3.600 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 10.300 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hoá học.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Trọn nghĩa, vẹn tình với đất nước