Pháp luật sẽ bị ''nhờn'' nếu không được thực hiện nghiêm, nếu một số đối tượng có thế lực, có quan hệ ''bôi trơn'' cho một số người suy thoái trong bộ máy công quyền.
"Tại sao người dân chỉ đổ đống cát, xe gạch trong hẻm nhỏ là lập tức bị cơ quan chức năng tới... hỏi thăm, trong khi có những tòa cao ốc, chung cư sai phạm sờ sờ nhưng vẫn... mọc lên rồi đứng mãi ở đó?".
Câu hỏi này được nhiều người đặt ra, từ lâu rồi, hỏi đi hỏi lại, bởi trên thực tế cơ quan thực thi pháp luật chưa đưa ra được trả lời thấu đáo, làm thỏa mãn dư luận.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhắc lại câu hỏi trên khi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thay mặt Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
"Không phạt cho tồn tại nữa" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dứt khoát, đồng thời dẫn ngay "Nghị định 139 thì từ 1.1.2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định".
Như vậy là đã rất rõ, pháp luật không cho phép "phạt cho tồn tại". Tất cả các công trình xây dựng sai phạm như xây lố tầng, xây không phép, sai thiết kế kỹ thuật... đều phải xử lý theo đúng quy định.
Điều này có nghĩa là công trình nào xây lố thì phải đập bỏ phần lố, xây sai thì phải xử lý phần sai, xây không phép thì thậm chí phải phá hủy công trình.
Quy định đã rõ rồi, phần trách nhiệm còn lại thuộc về người thực thi pháp luật. Những hiện tượng như người dân đổ đống cát, đống gạch trong hẻm cũng bị "hỏi thăm" ngay có thể là do "thân phận" của người vi phạm "thấp cổ bé họng", hoặc là do cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nghiêm minh.
Thế còn những công trình chung cư, cao ốc sai phạm "sờ sờ ra đó" nhưng suốt thời gian dài vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" thì lý giải thế nào? Không thể nói rằng cơ quan thực thi pháp luật không biết.
Còn tại sao làm ngơ? Lý do cụ thể của từng trường hợp chắc chỉ những người thi hành công vụ và chủ đầu tư biết rõ.
Trước khi một số công trình thuộc công ty của ông Lê Thanh Thản bị điều tra, những vi phạm của họ đã được báo chí nêu lên, thậm chí dư luận ra rả suốt một thời gian dài nói về điều này và địa bàn của những sai phạm liên quan đến công ty ông Thản có từ Bắc đến Nam.
Tại sao vậy? Nếu không phải là có nguyên nhân "khó hiểu" từ các cơ quan thực thi pháp luật.
Pháp luật sẽ bị "nhờn" nếu không được thực hiện nghiêm, nếu một số đối tượng có thế lực, có quan hệ "bôi trơn" cho một số người suy thoái trong bộ máy công quyền. Vậy nên, yêu cầu đặt ra là phải trị triệt để bệnh "nhờn pháp luật", đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng đối với mọi tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trị bệnh này rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp tái tạo diện mạo của các đô thị, khiến những bộ mặt méo mó, lồi lõm trở về đúng với những gì đã được quy hoạch, được cấp phép, đúng với các tiêu chuẩn đã được đặt ra.
Tất nhiên, tốt nhất là đừng để sai phạm xảy ra. Bởi việc xử lý và khắc phục sai phạm trong lĩnh vực này rất phức tạp, gây tốn kém tiền của Nhà nước và nhân dân.
Ví dụ, những người đã nộp tiền mua các căn hộ bị đập bỏ do sai phạm của chủ đầu tư tòa 8B Lê Trực (Hà Nội), những hộ đang sống trong các căn hộ xây không phép của ông Thản hay những người dân đã "đặt cược" vào các dự án của Alibaba hẳn là rất "đau tim" khi những công trình, dự án sai phạm bị xử lý.
LÊ KIÊN