Covid-19 khiến du lịch thế giới về 0. Nếu Việt Nam không có chiến lược mới, định hình lại thương hiệu, chính sách, chúng ta sẽ thua không chỉ về lượng khách đón mà cả về cạnh tranh điểm đến.
Thiệt hại vì thủ tục
Chia sẻ câu chuyện về sự thất bại khi kết nối mở đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai cách đây vài năm để đón khách quốc tế của Giám đốc Công ty Oxalis, ông Nguyễn Châu Á, tại Hội thảo Du lịch - phục hồi và phát triển ngày 25.12, một lần nữa chứng tỏ thủ tục hành chính vẫn cản trở sự phát triển của ngành du lịch.
Ông Nguyễn Châu Á kể, Oxalis hỗ trợ Quảng Bình kết nối đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai, nhưng duy trì được 1 năm thì thất bại. Lý do là bởi, công ty chỉ phục vụ được khách Thái Lan và Việt Nam vì họ không cần visa, nhưng do chưa có quy định về cấp visa cho khách quốc tế qua sân bay nội địa nên Oxalis mất một lượng khách châu Âu rất lớn đi từ Chiềng Mai sang.
Do đó, ông cho rằng cần cho phép cấp visa online để có thể thu hút khách, đồng thời thủ tục cần nhanh gọn, dễ dàng hơn, nếu cấp 1 năm cho khách càng tốt.
Ông Nguyễn Châu Á kể về lần thất bại khi kết nối mở đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai đưa khách quốc tế tới Việt Nam (ảnh màn hình) |
Cũng liên quan đến vấn đề visa, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietnam Travelmart, phản ánh, một số thị trường từng được miễn visa trước năm 2019 nay lại chưa, nên doanh nghiệp của ông vẫn phải xin cho từng khách. Chúng ta cũng chưa trao đổi song phương được với các thị trường lớn, các bạn hàng.
Thủ tục hành chính cũng được Chuyên gia cao cấp, TS. Trần Đình Thiên “điểm mặt chỉ tên” là một trong hai hạn chế cố hữu của du lịch Việt Nam.
Ông thẳng thắn, Việt Nam luôn quan điểm “làm bạn với tất cả các nước”, nhưng chuyển hóa điều đó thành sức mạnh để phát triển du lịch thì chưa làm được. Thủ tục đón bạn bè mà phức tạp quá, đón mà như bảo khách đừng vào, như đuổi người ta đi, nhất là về thủ tục visa.
Chưa kể, văn hóa kinh doanh với khách du lịch còn mang nặng tính kiếm chác, “gỡ gạc từng đồng một”. Ở đây, cần văn hóa tiếp cận coi khách quốc tế là bạn, tiếp đãi với thái độ thân thiện thực chất.
Thị trường thiếu bền vững
Ông Nguyễn Châu Á còn phân tích những yếu tố khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển bền vững, đặc biệt trong việc đón khách quốc tế (inbound).
Điển hình, năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu khách du lịch, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm hơn 60% thị phần) tiếp sau là Nhật Bản, Đài Loan (mỗi thị trường 5%), châu Âu 2%,... nên rất mong manh, nhất là khi có biến động lớn ở các thị trường chính.
Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021 |
Điều này thấy rõ khi Covid-19 ập đến, Trung Quốc kiểm soát chặt dịch bệnh và chúng ta không đón được một vị khách nào từ thị trường tỷ dân này.
Đối thủ của ta, Thái Lan đón được 40 triệu khách, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30%, số còn lại chia đều cho các quốc gia, trung bình 10%, nên du lịch Thái Lan khá bền vững trong nhiều năm.
Hơn nữa, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quá chú trọng mô hình B2B, chiếm tới hơn 80%, tức DN tạo ra sản phẩm tour bán cho đối tác nước ngoài, họ về tiếp thị chào mời khách. DN Việt Nam chỉ đơn thuần đưa khách đi tham quan theo chương trình đã thỏa thuận. Điểm mạnh của B2B là phía DN Việt Nam không cần marketing, không cần bán hàng, không biết mặt khách, song lại bị động, phụ thuộc rất nhiều vào đối tác. Thách thức càng ngày lớn khi đối tác muốn gửi khách qua nhiều, hay ta muốn thu hút đông khách họ đòi giảm giá, phải chiết khấu nhiều hơn.
Ngược lại, mô hình B2C là DN tạo ra sản phẩm, tiếp cận thị trường, bán thẳng cho du khách và mang họ đến Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% DN Việt Nam làm được. Còn tại Thái Lan tỷ lệ này chiếm tới 40% nên họ cân bằng thị trường rất tốt.
Theo mô hình B2B nên khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều công ty lữ hành quốc tế trong nước phải đóng cửa, rút giấy phép vì đối tác của họ ở nước ngoài cũng đóng cửa, biến mất. Với một số đối tác truyền thống, lâu nay họ gửi khách cho mình giờ đổi ý bỏ sang nước khác nên ta cũng mất thị trường.
Kinh phí chi cho hoạt động quảng bá du lịch còn ít |
Chậm là thua
Như ý kiến của một đại biểu tại hội thảo, Covid-19 khiến ngành du lịch thế giới về 0. Cơ hội cho các nước là ngang nhau. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có chiến lược mới, định hình lại thương hiệu, chính sách, chúng ta sẽ thua không chỉ về lượng khách đón, mà cả về cạnh tranh điểm đến.
TS. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cảnh báo, du lịch quốc tế đã phục hồi 35% trong năm nay, chúng ta đã chậm chân, lỡ nhịp. Năm ngoái, doanh thu từ du lịch giảm 60%, năm nay thêm 15-20% nữa, như vây phải mất ít nhất 2 năm (đến 2024) ngành mới trở lại được như thời kỳ hoàng kim 2019.
Do đó, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, chuyên gia cao cấp, phân tích, muốn mở cửa du lịch phải mở cửa đất nước. Chúng ta chậm hơn Thái Lan là thua. Cần đơn giản thủ tục hơn nữa, tích hợp để khách quốc tế muốn giải quyết một việc chỉ cần đến cửa. Bởi, nếu khách không được tự do như khi đến Thái Lan thì họ đến Việt Nam làm gì?
Về hoạt động quảng bá xúc tiến, lâu nay chúng ta chỉ tập trung xúc tiến qua hội chợ, thay vì quảng bá điểm đến quốc gia, nên chưa tiếp cận được nhiều khách ở thị trường mục tiêu. Kinh phí chi cho hoạt động quảng bá cũng ít ỏi.
Giám đốc Oxalis Nguyễn Châu Á kiến nghị, các tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mạnh của Việt Nam có thể góp phần quảng bá, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới, tiếp cận thị trường mục tiêu, mang khách đến mà không cần phải qua đối tác trung gian.
Việt Nam cũng cần định hình lại thương hiệu, vị thế du lịch bằng cách tạo ra sản phẩm độc đáo, mời gọi các nhà đầu tư thực sự có nghề để tạo ra các sản phẩm mới khách muốn đến một lần trong đời.
Mở nhưng thận trọng
Để cấp thiết khôi phục du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhiều lần nhấn mạnh đến từ “mở”. Ông cho rằng, không có hỗ trợ nào tốt hơn ngoài việc mở cửa toàn bộ, từ cửa khẩu đường bộ, đường hàng không. Ngành ngoại giao cũng cần vào cuộc để để mang thị trường cho DN, mang khách cho điểm đến. Tránh dùng từ "cách ly" với du khách.
Ngoài ra, ông Siêu cho rằng, mở nhưng cần bảo đảm an toàn, đồng bộ. Du lịch rất cần sự vào cuộc của ngành y tế để có điểm đến an toàn cho người dân và du khách, để người dân có niềm tin khi đi du lịch. Các địa phương cũng cần đồng bộ để du lịch thông suốt.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nói 3 chữ “mở”, nhưng có đến 30 chữ “mở”, nếu Việt Nam không an toàn thì người ta cũng không đến. Ngay địa phương trong nước không an toàn thì khách nội địa cũng không đến. Cho nên, chúng ta vẫn phải thực hiện thật tốt các công việc chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian đó, cần làm tốt công tác chuẩn bị, tự đổi mới mình, sẵn sàng cho lúc an toàn rồi mở cửa thì tốt hơn là vội vàng. “Mở ra mà đóng vào còn nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách chắc chắn, an toàn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Vietnamnet