Phí du lịch tại nhiều điểm đến không làm giảm khách quốc tế, thậm chí còn tăng do khách sẵn sàng chi trả khi biết mục đích thu phí để tái tạo các điểm du lịch.
Tháng 4, Venice bắt đầu thử nghiệm thu 5 euro phí vào cửa với khách không ở qua đêm vào những ngày cao điểm trong năm. Venice không phải điểm đến duy nhất áp dụng các loại thuế du lịch mới.
Tại Anh, giới chức hạt Kent đã khuyến nghị áp dụng thuế du lịch với những khách lưu trú qua đêm. Tại Scotland, du khách đến Endinburgh phải trả phí từ 2026 và xứ Wales có kế hoạch đưa ra luật tương tự vào cuối năm nay.
Hiện, trên thế giới có hơn 60 điểm đến thu phí du khách và dự kiến con số này còn tăng. Những khoản thuế, phí khác nhau, có nơi áp dụng toàn quốc nhưng có nước chỉ áp dụng đơn lẻ tại các tỉnh thành.
Việc áp dụng các loại thuế du lịch thường gây tranh cãi, trong đó nhiều người trong ngành lo ngại về tác động phụ. Tại quần đảo Balearic, Tây Ban Nha và Maldives, nhiều người tin rằng thuế du lịch đã cản trở khách quốc tế đến và có thể ngăn cản người dân du lịch nội địa. Vào ngày đầu tiên Venice thu phí 5 euro, nhiều cuộc biểu tình của người dân địa phương cũng diễn ra. Họ phản đối thu phí vì không muốn thành phố giống như công viên giải trí, phải mua vé để vào.
Một trong những điểm du lịch thu phí nổi tiếng nhất thế giới, Bacerlona, Tây Ban Nha, lượng khách lại liên tục tăng. Năm 2013, thành phố đón 7,1 triệu lượt khách nghỉ qua đêm còn năm 2019 là 9,5 triệu lượt. Một nghiên cứu khác với 3 thành phố Italy là Rome, Florence và Padua cho thấy thu phí du khách không ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách quốc tế lẫn nội địa.
Mối quan hệ giữa thuế du lịch - du khách phức tạp "đến mức không có quan điểm thống nhất, ngay cả trong cùng một nước". Italy là một trong những quốc gia nghiên cứu nhiều nhất về thu thuế du lịch và kết quả đạt được ở các tỉnh cũng không nhất quán. Quan điểm thuế du lịch làm giảm lượng khách là không thuyết phục, CNN nhận định.
Áp phí du lịch cũng mang lại những tác động tích cực khác. CNN đã tiến hành nghiên cứu 7 điểm đến thu phí và cách sử dụng tiền thu được này.
Hầu hết nguồn tiền này được sử dụng để tài trợ cho hoạt động tiếp thị du lịch, xây dựng thương hiệu, đầu tư vào điểm đến, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ nhà vệ sinh công cộng đến đường đi, trung tâm hội nghị. Ở các đảo Balearic, tiền phí du lịch được dành phần lớn cho các dự án giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, văn hóa như quản lý chất thải, bảo tồn môi trường sống tự nhiên, di tích lịch sử, nhà ở xã hội.
Nhìn chung, thuế du lịch được thực hiện thành công trên mọi điểm đến họ nghiên cứu. Có rất ít bằng chứng cho thấy khách giảm chỉ vì bị thu thêm thuế.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khi du khách biết được khoản thuế này được chính quyền địa phương dùng để làm gì cũng như liên quan trực tiếp đến cải thiện trải nghiệm của chính họ, khách đều sẵn lòng chi trả.
Với nhiều điểm đến, vấn đề chính không chỉ là quá tải mà còn là khách tàn phá tài nguyên địa phương nhưng đóng góp tài chính thông qua chi tiêu lại rất ít. Vì những lý do này, thu thuế du khách cũng có thể được sử dụng để ngăn các chuyến thăm trong ngày và khuyến khích khách ở lại lâu hơn. Venice đang đi đầu trong sự thay đổi này.
Trở lại hạt Kent, chính quyền có thể mất nhiều thời gian hơn để đưa kế hoạch thành hiện thực. Tại Anh hầu như không có nơi nào thu thuế du khách. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá "thiển cận" vì không ít điểm đến tại Anh đang cần cải thiện cơ sở hạ tầng như nước sạch, phương tiện giao thông công cộng. Tại thành phố Manchester và Liverpool, các doanh nghiệp đã thực hiện thu phí qua đêm tự nguyện đối với du khách vì không có cơ sở pháp lý thực hiện các khoản thuế bắt buộc.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thuế du lịch vẫn là thứ chúng ta có thể phải cân nhắc khi lên kế hoạch chọn điểm đến cho kỳ nghỉ trong tương lai.
T.H (theo VnExpress)