4 tiếp viên hàng không sẽ bị điều tra như thế nào?

21/03/2023 06:45

Cơ quan điều tra đã khám xét nhà 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines, lấy lời khai nhiều người, thu thập chứng cứ liên quan việc họ mang 11,4 kg ma tuý từ Pháp về.

Ngày 20.3, sau khi tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Thuỷ, 37 tuổi; Võ Tú Quỳnh; Trần Thị Thu Ngân và Đặng Phương Vân bị tạm giữ, cảnh sát đã khám xét nơi ở của họ nhưng không phát hiện thêm ma tuý. Các tiếp viên khai đã nhận mang hàng hoá xách tay từ Pháp về Việt Nam thông qua một đồng nghiệp làm chung hãng.

Qua người này, một trong 4 nữ tiếp viên đã trao đổi, thoả thuận tiền công, chia lô hàng "kem đánh răng" nặng hàng chục kg về Tân Sơn Nhất. Nhà chức trách cũng đã làm việc với người giới thiệu nguồn hàng cho 4 nữ tiếp viên mang về nước. Bước đầu, tất cả tiếp viên liên quan chỉ cung cấp được tin nhắn trao đổi, thoả thuận giá cả với "người giao hàng" tại Pháp với nội dung được trả tiền công hơn 10 triệu đồng.


Ketamine và cocain (tinh thể màu trắng) được lấy ra từ các tuýp kem đánh răng. Ảnh: Hải quan TP Hồ Chí Minh

Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, việc phát hiện 4 tiếp viên mang ma tuý về nước "không phải chuyện tình cờ". "Căn cứ thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan; căn cứ các dấu hiệu nghi vấn về tuyến, đối tượng trọng điểm, kết quả thu thập thông tin, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phá án", ông này nói.

Sáng 16.3, khi chuyến bay VN10 từ Pháp vừa đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cán bộ hải quan đã khám xét hành lý của 4 nữ tiếp viên. Trong valy của Thủy và Quỳnh đều có 31 hộp kem đánh răng có thuốc lắc, tổng trọng lượng 2,18 kg; 12 hộp chứa ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất) nặng khoảng 1 kg; hành lý của Ngân có 780 gram thuốc lắc; hành lý của Vân có hơn 2 kg thuốc lắc, 2 kg ketamine và cocain.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó gửi công văn đề nghị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (PC04) Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Hiện, vụ án chưa được khởi tố, các tiếp viên đang trong diện được yêu cầu phối hợp để phục vụ điều tra chứ chưa bị khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, trong một vài ngày tới, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải khởi tố vụ án (Điều 143) và khởi tố bị can (Điều 179) để điều tra.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), trên cơ sở các tài liệu, dữ kiện và lời khai hiện nay cho thấy các tiếp viên "không biết hàng vận chuyển là ma tuý". Nếu họ có chứng cứ, tài liệu chứng minh là mình không biết, không cố ý thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy... thì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, họ không phạm tội.

Cơ quan điều tra sẽ xem xét các dấu vết, hành vi của 4 tiếp viên và các cá nhân liên quan; cũng như thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh các tình tiết logic hay mâu thuẫn có trong vụ việc. Nếu các tiếp viên cho rằng mình không thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý, thì họ phải khai nhận, làm rõ một số thông tin liên quan đến quá trình liên hệ để nhận hàng hoá và vận chuyển số hàng hoá đó.

Cụ thể, các tiếp viên phải khai báo: người gửi hàng là ai? ai trong số họ liên hệ với người gửi hàng? thời điểm liên hệ để gửi hàng (từ trước khi bay qua Pháp, tại Pháp hay thời điểm nào khác?); mối liên hệ giữa 4 tiếp viên với người gửi hàng (làm sao quen biết nhau? hình thức liên lạc với nhau là gì?); quá trình liên hệ, trao đổi thông tin (truy xuất từ lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, email, kênh liên hệ khác); thông tin người gửi tại Pháp và thông tin người nhận tại Việt Nam; cơ sở nào để các tiếp viên có thể hoàn toàn tin tưởng đó là hàng hoá không bị cấm và có thể dễ dàng mang vào Việt Nam khi nhập cảnh?...

"Nếu quá trình điều tra, xác minh, khai nhận mà cơ quan điều tra thấy rằng các tình tiết này là có căn cứ và xác định được có tội phạm chuyên nghiệp lợi dụng các tiếp viên để gửi hàng, thì các tiếp viên có thể sẽ không bị truy tố, hoặc có thể xem xét trách nhiệm ở mức độ nhẹ", luật sư Mạch nói.

Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp một trong 4 tiếp viên là người chủ động thực hiện hành vi vận chuyển ma tuý. Người này biết rõ số ma tuý sẽ vận chuyển và cố tình lợi dụng sự tin tưởng trong tổ bay để chia nhau vận chuyển về Việt Nam dễ dàng hơn là tự vận chuyển một số lượng lớn.

"Trong số các tiếp viên có người còn quá trẻ, nên không loại trừ việc bị tội phạm ma tuý chuyên nghiệp tiếp cận, lợi dụng. Chứ không ai lại đánh đổi tính mạng mình lấy một số tiền nhỏ như vậy cả", ông Mạch nêu quan điểm. Do đó, một trong những tính tiết cũng cần được làm rõ, đó là xem xét lịch sử các chuyến bay trước, các tiếp viên này có hay không mang hàng hoá về, loại gì, lịch sử soi chiếu ra sao?...

Theo VnExpress


>>> Bắt 3 tiếp viên Vietnam Airlines xách ma túy về Việt Nam
>>>
Thông tin mới nhất vụ bắt 4 tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam

(0) Bình luận
4 tiếp viên hàng không sẽ bị điều tra như thế nào?