Vì sao chúng ta cần xây dựng tiêu chí mới về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên và chuẩn mực mới đòi hỏi những tiêu chí gì?
Tọa đàm khoa học về việc xây dựng tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 6.4 để làm cơ sở tham mưu cho Đảng xem xét ban hành các nghị quyết, chỉ thị xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa. Vì sao chúng ta cần xây dựng tiêu chí mới về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên và chuẩn mực mới đòi hỏi những tiêu chí gì?
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước đây Đảng ta không tách riêng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà để chung trong nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng. Tại Đại hội XII lần đầu tiên Đảng đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều này là có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12.1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam tạo bước ngoặt trong cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta, quyết định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang nền sản xuất hàng hóa; xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp.
Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận thì việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và sự hội nhập toàn cầu cũng đặt ra những thách thức mới đối với đất nước nói chung, cũng như đối với cán bộ, đảng viên nói riêng. Đó là sự xuống cấp đạo đức xã hội, trong đó có sự sa sút đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đặc biệt đã xuất hiện tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị". Một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Cùng với sự vận động của xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới liên quan đến suy thoái đạo đức cũng nảy sinh.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên.
Bước sang năm 2022, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục được xử lý nghiêm minh, nhằm trừng trị thích đáng, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Đặc biệt những sai phạm tại Công ty CP Công nghệ Việt Á liên quan tới nhiều tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh cấp cao bị cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, bị truy tố, bắt tạm giam.
Những con số về các vụ đảng viên bị kỷ luật nêu trên cho thấy, trong công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, các cán bộ, đảng viên phải đối mặt với không ít những tác động tiêu cực. Tình hình đó đòi hỏi tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phải có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải rất vững vàng, độc lập, sáng tạo trong việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, cũng như xây dựng nội bộ Đảng đoàn kết, vững mạnh; không dao động trước khó khăn, thử thách. Đồng thời phải ham học hỏi, cầu tiến bộ, bởi công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện là một cuộc vận động mang tính cách mạng toàn diện và sâu sắc, là một quá trình khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn. Cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất giữ vững kỷ luật Đảng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật của Nhà nước; càng có công thì càng phải khiêm tốn, đảng viên giữ vị trí càng cao, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc...
TRẦN QUANG VINH