Chính trị

Tiếng thơm còn mãi với quê hương

HÀ VY 31/03/2024 11:00

Người dân quê hương Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) luôn nhớ về đồng chí Nguyễn Lương Bằng với hình ảnh người lãnh đạo giản dị, gần gũi và sự liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng để lại tiếng thơm còn mãi với quê hương.

00:00

bac-bang.jpg
Ông Nguyễn Đức Phẩm (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) vinh dự được chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Tùng ngày 12/6/1977 (ả nh tư liệu)

Nhớ mãi những lần gặp bác

Sinh thời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nhiều lần về thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân Hải Dương, huyện Thanh Miện và quê hương Thanh Tùng. Mỗi lần về thăm, Phó Chủ tịch nước đều để lại những kỷ niệm khó quên với cán bộ và nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Đức Phẩm, 74 tuổi ở thôn Đông, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng nhớ ngày 12/6/1977, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng về làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Miện. Ngay từ sớm, cán bộ xã đã có mặt tại hội trường UBND huyện để đón đồng chí. "Chúng tôi đứng ở hàng ghế cuối trong hội trường. Từ xa chúng tôi đã nhìn thấy Phó Chủ tịch nước trong chiếc áo sơ mi ngắn tay, quần kaki bạc màu rất đỗi giản dị. Bác nở nụ cười hiền hậu, vẫy tay chào mọi người”, ông Phẩm nhớ lại.

ong-pham.jpg
Ông Nguyễn Đức Phẩm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng kể lại lần gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng vào tháng 6/1977

Hôm ấy, ông Phẩm rất ấn tượng với những phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. “Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng rất quan tâm tới phát triển nông nghiệp và công tác xây dựng Đảng. Các chỉ đạo của đồng chí bấy giờ thể hiện rõ tư duy của một nhà chiến lược với tầm nhìn xa, rất quyết liệt nhưng cũng đầy tâm huyết. Theo chương trình thì đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ có buổi làm việc riêng với Đảng ủy xã Thanh Tùng nhưng do điều kiện thời gian nên đồng chí tranh thủ dặn dò và chụp một bức ảnh làm kỷ niệm với đội ngũ cán bộ xã”, ông Phẩm nói.

Ông Nguyễn Đình Tự ở thôn Đông, năm nay 78 tuổi, 53 năm tuổi Đảng kể lại sinh thời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng nhiều lần về thăm quê. Gia đình chị gái Phó Chủ tịch nước sát vách với nhà ông nên ông nhiều lần vinh dự được gặp Phó Chủ tịch nước. Lần ông nhớ nhất là vào năm 1969 - 1970, sau khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu là Phó Chủ tịch nước. “Hôm đó, biết bác về thăm quê, bà con trong thôn kéo đến chật kín sân nhà bác. Bác có hỏi “nhân dân ta có thích chủ nghĩa xã hội không?”. Ai nấy đều đồng thanh “có”. Rồi bác dặn dò bà con tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp...”, ông Tự kể lại.

Những người từng được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đều ấn tượng sâu đậm với tác phong rất bình dị, cởi mở, gần gũi của bác. Dù ở cương vị cao, bận rộn với công việc nhưng mỗi lần về thăm quê, đồng chí đều dành thời gian thăm hỏi bà con làng xóm; động viên, nhắc nhở bà con trong thôn đoàn kết, gắn bó.

Tấm gương liêm khiết

ong-tu-2c30fcbbcecf153f9bf3896acc59f75d.jpg
Ông Nguyễn Đình Tự nhớ lại những ký ức tốt đẹp về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tự, thời trẻ ông được nghe rất nhiều câu chuyện về tấm gương cần kiệm liêm chính của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Đó là khoảng từ năm 1970 - 1976 khi bố ông đang là Bí thư Đảng ủy, xã Thanh Tùng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tặng hai món quà, đó là chiếc đài phát thanh và một chiếc ống nghe tim phổi. “Tôi rất ấn tượng với đức tính liêm khiết của bác Bằng. Dù là lãnh đạo cấp cao nhưng món quà bác tặng cho quê hương lại vô cùng giản dị”, ông Tự nói thêm.

Ở xã Thanh Tùng, nhiều người cũng luôn nhớ và truyền nhau những câu chuyện về đức tính cần kiệm liêm chính của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Đó là ngôi nhà đồng chí chọn cho gia đình mình không lớn so với tiêu chuẩn, ở trong một phố nhỏ của Hà Nội. Có lần khi đi thăm con cái ở nơi sơ tán trên Sơn Tây, đồng chí cũng không dùng xe công mà đi ra bến xe Kim Liên xếp hàng mua vé ô tô khách như mọi người bình thường khác... Khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng qua đời, gia đình đồng chí đã tự nguyện trả lại ngôi biệt thự số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho Nhà nước...

Ông Vũ Thế Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Tùng cho biết cán bộ, đảng viên và người dân quê hương Thanh Tùng rất tự hào, khâm phục sự mẫu mực, đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Đồng chí mãi là niềm tự hào của người dân Thanh Tùng nói riêng, xứ Đông anh hùng nói chung. Tiếng thơm của đồng chí sẽ còn mãi với quê hương.

HÀ VY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng thơm còn mãi với quê hương