Những năm trước, hằng ngày chúng ta vẫn quen với những tiệm vàng 'to' như ngân hàng. Mua, bán ngoại tệ: ra tiệm vàng. Cần vay ít tiền: ra tiệm vàng.
Mới đây nhất, cơ quan cảnh sát điều tra trong vụ án Nhật Cường buôn lậu và rửa tiền cho biết từ lời khai của một bị can và kiểm tra dữ liệu điện tử bí mật của Nhật Cường cho thấy hai tiệm vàng ở Hà Nội cũng chẳng chịu thua kém ngân hàng, khi chuyển tiền hàng nghìn tỷ đồng thanh toán cho chủ hàng ở nước ngoài.
Cần lưu ý rằng thanh toán là dịch vụ phải được quản lý từ Ngân hàng Nhà nước, bởi không chỉ cần mạng lưới rộng khắp, mà còn bảo mật, chống rửa tiền... và ngày nay vẫn chủ yếu do ngân hàng đảm nhận.
Do yếu tố lịch sử, các tiệm vàng đã "nở nồi", tự thực hiện nhiều chức năng của ngân hàng - từ kinh doanh vàng, mua bán ngoại tệ, cầm cố cho vay tiền đến thanh toán trong và ngoài nước. Mọi người gần như chấp nhận sự "nở nồi" quá mức này của các tiệm vàng với lý do... tiện.
Nhưng sự "nở nồi" này cũng để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt tạo ra những cơn sốt giá vàng, giá đôla mà hàng chục năm trước cả xã hội phải gánh chịu, và gần đây là chuyển ngân lậu ra nước ngoài, góp phần giúp rửa tiền.
Thế nhưng thời thế đã đổi thay. Cùng với hoàn thiện về chính sách từ Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng đã tạo ra thay đổi cơ bản về chất lượng dịch vụ, vì thế vai trò của tiệm vàng đã không còn nữa.
Ngày nay người dân có thể bán ngoại tệ hoặc mua theo quy định từ ngân hàng. Pháp luật cũng đưa tiệm vàng trở về đúng vai trò của nó là mua bán nữ trang. Tiệm vàng nào làm tốt, có thể thu đổi ngoại tệ (tức mua ngoại tệ, không được bán lại theo nguyên tắc quản lý ngoại hối của quốc gia) với sự ủy quyền của ngân hàng thương mại.
Ngay mua bán vàng miếng (như SJC, PNJ...) cũng bị hạn chế, nếu không có phép, vì vàng miếng cũng là ngoại hối. Nhiều tiệm vàng không còn niêm yết giá mua bán vàng miếng như trước.
Với dịch vụ thanh toán, lại càng không được phép. Ấy thế mà trên thực tế nhiều tiệm vàng vẫn âm thầm làm dịch vụ chuyển ngân lậu, tức chuyển tiền xuyên biên giới, điều mà pháp luật cấm. Một số tiệm vàng nhận chuyển những món tiền cho người Việt ở nước ngoài - một "dịch vụ" dù là chui, lậu nhưng ai cũng biết, đến những khoản chuyển tiền nghìn tỷ như trong vụ Nhật Cường.
Tiệm vàng không thể to như ngân hàng, càng không thể thực hiện chức năng như một ngân hàng, trong đó có thanh toán. Vậy tại sao tiệm vàng vẫn "to" như ngân hàng?
Chắc chắn tiệm vàng, dù bất kể quy mô thế nào, cũng không thể có được hệ thống thanh toán, chuyển tiền lớp lang, an toàn, chuyên nghiệp như ngân hàng. Nếu không lách luật, tiếp tay hay qua mặt ngân hàng, để thanh toán, tiệm vàng chỉ có cách duy nhất chở tiền mặt đi.
Nhưng điều này là không tưởng nếu đó là thanh toán cho nước ngoài. Vì vậy, để loại bỏ tình trạng chuyển ngân lậu, phải tìm cho ra mối liên kết "ma quỷ" giữa tiệm vàng và ngân hàng, hoặc kẽ hở của quy định về thanh toán. Nếu không sẽ còn nhiều hệ lụy, trước hết là thất thoát tài sản quốc gia, sau là tiếp tay cho rửa tiền bẩn từ tham nhũng, buôn lậu.
THANH TUYỀN