Việc được Quốc hội bầu lại làm Thủ tướng cũng sẽ đặt ông Prayut Chan-o-cha đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.
Nhiều thách thức đối nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha
Sau cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan với chiến thắng thuộc về Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, Quốc hội Thái Lan đã bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng mới của nước này. Việc được Quốc hội bầu lại làm Thủ tướng cũng sẽ đặt ông Prayut Chan-o-cha đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.
Quốc hội Thái Lan bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng mới
Đêm 5.6, Quốc hội Thái Lan đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chanocha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này.
Ông Prayut Chan-o-cha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai Mới, nhận được.
Phiên họp lưỡng viện Quốc hội Thái Lan bắt đầu từ 11h sáng và kéo dài 12 giờ tới gần nửa đêm mới bắt đầu bầu Thủ tướng do cả hai phe ủng hộ chính quyền đương nhiệm và đối lập đều cố gắng ca ngợi những phẩm chất của ứng cử viên của phe mình, trong khi vạch ra những yếu kém của ứng cử viên phe kia.
Theo Hiến pháp năm 2017, nhiệm vụ của Thượng viện gồm 250 thành viên do chính quyền đương nhiệm chỉ định và Hạ viện gồm 500 thành viên được bầu trong cuộc bầu cử ngày 24.3 trong phiên họp chung đầu tiên, là bầu Thủ tướng mới. Người đắc cử phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong phiên họp lưỡng viện này.
Tổng cộng 747 nghị sĩ có mặt tại phiên họp đầu tiên của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan. Các nghị sĩ đã được thư ký Quốc hội mời và đọc tên ứng cử viên mà mình ủng hộ. Có 3 nghị sĩ bỏ phiếu trắng, trong đó có 2 phiếu trắng của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Thái Lan bởi theo truyền thống thì Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện không tham gia bầu Thủ tướng.
Ông Prayut Chan-o-cha không tham gia tranh cử ghế hạ nghị sĩ trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng Hiến pháp Thái Lan không bắt buộc thủ tướng phải là thành viên nghị viện. Ông Prayut Chan-o-cha nhận được sự ủng hộ của một liên minh do đảng Palang Pracharath đứng đầu. Một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng, đảng Dân chủ - chính đảng lâu đời nhất của Thái Lan - đã đồng ý tham gia liên minh do đảng Palang Pracharath lãnh đạo, nâng tổng số hạ nghị sĩ mà liên minh này có được để thành lập chính phủ mới của Thái Lan lên một đa số mong manh là 254 đại biểu. Quyết định trên được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu kín của các thành viên cao cấp và các hạ nghị sĩ của của đảng Dân chủ với tỉ lệ 61 phiếu ủng hộ và 16 phiếu phản đối. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến cho cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva tuyên bố từ chức hạ nghị sĩ với lý do không thể phá bỏ lời hứa với cử tri.
Kết quả cuộc bầu cử Hạ viện ngày 24-3 được Ủy ban Bầu cử công bố cho thấy đảng Palang Pracha Rath giành nhiều phiếu bầu nhất với 8.433.060 phiếu, đứng ở vị trí thứ hai là đảng Pheu Thai giành 7.920.561 phiếu, tiếp đó là đảng Tương lai mới giành 6.265.918 phiếu, đảng Dân chủ giành 3.947.702, đảng Niềm tự hào Thái (BJT) 3.l732.940.
Đối mặt nhiều khó khăn
Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng kế tiếp 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử. Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng 6 này. Mặc dù vậy, giới phân tích dự báo, nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ đối mặt với không ít khó khăn cần giải quyết.
Về đối nội, trước mắt, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập, điều hành và duy trì sự ổn định của chính phủ. Bởi Chính phủ của ông được thành lập từ một liên minh khá lỏng lẻo gồm 7 chính đảng gồm đảng Quyền lực nhà nước nhân dân, đảng Liên minh hành động vì nước Thái, đảng Chartpattana, đảng Quyền lực địa phương Thái, đảng Phục hồi đất và rừng nước Thái, đảng Cải cách nhân dân và đảng Dân chủ, không chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, do đó sẽ không thuận lợi trong việc thông qua các chương trình, kế hoạch chung của đất nước.
Bên cạnh việc sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập, điều hành và duy trì sự ổn định của chính phủ, trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha còn đứng trước thách thức đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay, cũng như giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan.
Theo phân tích, cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã ít nhiều làm suy yếu nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư, kéo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2014 xuống mức thấp 0,8%. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền quân sự ở Thái Lan đã thực hiện những chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế như: chi hàng trăm triệu bạt trợ giúp người nghèo và nông dân; đầu tư nâng cấp các tiêu chuẩn hàng không của nước này vốn bị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) áp đặt trừng phạt từ năm 2015. Ngoài ra, chính quyền quân sự tìm cách giải quyết nạn đánh bắt cá bất hợp pháp nhằm lấy lại lòng tin từ giới kinh doanh toàn cầu, đồng thời thúc đẩy các dự án đầu tư nội địa, trong đó, kế hoạch Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) mang lại khoản đầu tư khổng lồ cho nước này.
Đầu tư mạnh mẽ của chính quyền quân sự Thái Lan đã thu được các kết quả ban đầu khá tích cực, theo đó tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 đạt 4%, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, năm 2019 xu hướng suy giảm kinh tế đã quay lại. Ngày 21-5 vừa qua, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 3,6% so với mức dự báo trước đó là 4%. Sự điều chỉnh này là do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề. NESDB đã hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong năm nay từ 4,4% xuống 2,2%.
Đặc biệt, là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nền kinh tế Thái Lan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo. Tuy vậy, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã dự báo sản lượng xuất khẩu gạo năm 2019 của Thái Lan sẽ giảm 14% so với năm 2018.
Trong bối cảnh này, chương trình nghị sự chính yếu của chính phủ mới ở Thái Lan là giải quyết thách thức nêu trên. Trước hết, sẽ phải tìm cách khôi phục nền kinh tế thông qua biện pháp kích thích tăng trưởng nội địa để bù đắp lĩnh vực xuất khẩu đang sa sút. Điều quan trọng nữa là chính phủ mới sẽ phải bảo đảm rằng ngân sách năm tài khóa 2020 sẽ được thông qua tại Quốc hội. Tuy nhiên, dự luật ngân sách này do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) dự thảo, có thể không nhận được sự đồng thuận từ các đảng trong liên minh vốn không tham dự vào việc soạn thảo.
Cùng với đó, việc duy trì ổn định xã hội đưa Thái Lan trở lại quỹ đạo phát triển bình thường, giải quyết tình trạng thất nghiệp, khoảng cách thu nhập và phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc, tăng cường vị thế quốc gia sẽ là nhiệm vụ được kỳ vọng dành cho Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong nhiệm kỳ tới.
Còn về đối ngoại, theo Pongphisoot Busbarat, một nhà nghiên cứu hàng đầu về chính sách ngoại giao của Thái Lan đồng thời là một diễn giả tại Đại học Chulalongkorn, thời gian tới Thái Lan sẽ cần phải tái cân bằng các mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ tương tác với phương Tây.
Theo TTXVN