Đề án là việc khó, chưa có tiền lệ; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người dân nên cần sự tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sáng 9.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Hội nghị được kết nối tại điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã; xã, phường trong toàn quốc với tổng số hơn 10.000 điểm cầu từ cấp xã đến Trung ương và hơn 130.700 đại biểu tham dự.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thông tin.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” là đề án cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thực hiện Đề án 06 để tổ chức các dịch vụ công phục vụ nhân dân thông qua môi trường số. Qua đó, chuyển từ thói quen thực hiện các dịch vụ công dùng giấy tờ, tới trụ sở cơ quan nhà nước, sang trạng thái giao dịch trên môi trường số, giải quyết các dịch vụ, thủ tục bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Cũng qua đó góp phần cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng.
Đề án là việc khó, chưa có tiền lệ; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người dân nên cần sự tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Triển khai Đề án 06, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 16 cuộc họp chỉ đạo các nội dung của đề án; ban hành 1 chỉ thị, 1 công điện, 7 thông báo; 4 nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung chỉ đạo về đề án.
Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ.
Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong 6 tháng qua; những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo; những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để triển khai Đề án 06 đạt hiệu quả cao hơn.
Theo Vietnam+