Thủ khoa khối A Nguyễn Văn Kiên và á khoa Nguyễn Hữu Phương cùng sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Thủ khoa từng vấp ngã
Từ khi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được công bố, ngôi nhà nhỏ ở làng quê vốn yên ả xã An Tràng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) của Nguyễn Văn Kiên đông vui hơn. Đi đến đâu cũng thấy bà con lối xóm tự hào khoe về cậu học trò nhỏ nhưng ý chí phi thường. Mọi người khâm phục em bởi tinh thần tự lập, vượt qua vấp ngã và đứng lên làm lại chính mình.
Khi nhắc về những vấp ngã đầu đời, Kiên tâm sự, năm em thi vào lớp 10, có một môn điểm không cao như mong muốn khiến em cảm thấy chán nản. Bởi thế, trong học kỳ I năm học đó em không có động lực để học tiếp. Tuần 6 buổi thì em chỉ đi học 3 hoặc 4 buổi. Rồi bạn bè rủ rê chơi game khiến số buổi nghỉ học tăng dần.
Đến khi hết học kỳ I, em quyết định nghỉ học để đi làm. Lúc đó bố mẹ mắng em nhiều lắm. Em quyết định vào Nam để đi làm kiếm tiền. Công việc đầu tiên của em là làm may nhưng do chưa đủ tuổi nên em không xin vào công ty làm được, chỉ làm ở một xưởng tư nhân.
Sau em nghỉ may và xin làm tại một quán cà phê. Tiền công của em là 200.000 đồng/ngày. Lúc đầu em thấy tự do, thoải mái nhưng lâu dần em nhận ra nếu không có kiến thức thì suốt đời chỉ làm việc tay chân. Từ suy nghĩ đó, Kiên như bừng tỉnh, em gọi điện về cho bố mẹ để xin đi học lại.
Có lẽ đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Kiên bởi đi học lại là một quyết định khó khăn. Kiên chia sẻ, đi học cùng các em lớp 10 có nghĩa là em hơn các bạn cùng lớp 3 tuổi. Điều ấy em không ngại nhưng để học lại từ đầu em đã phải cố gắng rất nhiều.
Cô giáo Bùi Thị Miên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 (lớp Kiên học), Trường THPT Phụ Dực biết Kiên thông qua cô giáo Vũ Ngọc Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A10 - lớp cũ của Kiên).
Cô Ngọc Anh giới thiệu về một cậu học trò nghị lực và tài năng, cô Miên bắt đầu chú ý đến em. Một cô giáo trong tổ hóa cũng nói thêm về khả năng của Kiên và đề xuất cho em chuyển sang lớp A1. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.
Thầy giáo Trần Duy Sử, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Cùng lắm là các em xin chuyển sang lớp chọn là lớp A2, A3 thế nhưng Kiên xin chuyển sang lớp mũi nhọn A1 khiến tôi cũng bất ngờ. Sau khi tham khảo ý kiến của các thầy cô, tôi quyết định chuyển em sang lớp A1.
Kết quả của Kiên cho tôi thấy đây là quyết định đúng đắn bởi tháng đầu tiên em nằm tốp cuối lớp nhưng sang tháng thứ hai em đã vươn lên ở tốp giữa và rất nhanh chóng em nằm trong tốp đầu của lớp, của trường. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Kiên là 1 trong 4 em đạt giải nhất môn hóa học. Cùng với kết quả thủ khoa cả nước, nhà trường, thầy cô và bạn bè vô cùng tự hào về em".
Nhìn lại hành trình 6 năm qua, Nguyễn Văn Kiên cho rằng đã có thời gian vấp ngã khiến bản thân hối hận nhưng đây cũng chính là động lực để em có được kết quả ngày hôm nay.
Kiên chia sẻ, thời điểm này rất quan trọng với em bởi em đang ôn tập để dự thi vào lớp tài năng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 10 tới đây.
"Em sẽ không ngủ quên trên chiến thắng. Tương lai em mong muốn có được một công việc ổn định để phụ giúp bố mẹ", ước mơ tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó là cả sự biết ơn mà Kiên muốn báo đáp công sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thái Bình xếp thứ 11 trong bảng xếp hạng điểm thi bình quân chung của cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,61%, tăng 1,78% so với năm trước. Thái Bình có 151 bài thi đạt điểm 10, trong đó môn Giáo dục công dân có số điểm 10 cao nhất với 114 bài thi. Thái Bình có 534 lượt thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên các khối: A00, B00, C00, D00, Trong đó có thủ khoa và á khoa khối A0. |
Theo báo Thái Bình