Đại học Kinh tế Quốc dân, Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Đại học Nha Trang bỏ hẳn phương thức này.
Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến năm 2025 chỉ dành 15% chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, giảm 3% so với năm nay. Tính trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ này giảm từ 70 xuống 15%.
Phần chỉ tiêu giảm được chuyển sang xét tuyển kết hợp (tổng 83%). Với phương thức này, thí sinh cần có điểm SAT và ACT, lần lượt 1.200/1.600 và 26/30 trở lên; hoặc điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hay chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế 5.5 IELTS hoặc 46 TOEIC iBT trở lên.
2% chỉ tiêu còn lại được trường dùng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thí sinh được giải quốc gia, quốc tế...).
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức gồm: xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp từ 50% xuống còn 40% vào năm tới, đồng thời bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kế hoạch cụ thể sẽ được trường công bố vào cuối tháng 9.
Đại học Nha Trang cuối năm ngoái đã cho biết sẽ tuyển sinh năm 2025 dựa vào học bạ kết hợp điểm một số kỳ thi đánh giá năng lực, không xét điểm thi tốt nghiệp.
Công thức tính điểm, trọng số các môn thành phần, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được trường công bố cụ thể sau.
Việc giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được nhiều trường tính toán từ lâu. Lý do là từ năm 2020, kỳ thi này chủ yếu phục vụ việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, đề thi dễ hơn, độ phân hóa giảm so với giai đoạn trước.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được thay đổi để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh thi 4 môn, gồm hai môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn), hai môn lựa chọn (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Tổng cộng, có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Ngay khi Bộ công bố phương án thi này hồi cuối năm 2023, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội, Mỏ - Địa chất, Nha Trang đã nhận định các trường sẽ phải đau đầu cân đối tổ hợp xét tuyển.
Một số khảo sát do các trường đại học thực hiện cho thấy số học sinh chọn đồng thời các môn Lý, Hóa, Sinh ở THPT không nhiều. Chưa kể, việc chỉ được chọn tối đa hai môn có thể khiến học sinh có xu hướng chọn tiếng Anh và một môn khác, nhằm tăng số lượng tổ hợp xét tuyển đại học.
Do đó, các trường lo ngại số chọn tổ hợp tự nhiên truyền thống như A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh) có thể giảm. Đây cũng là một phần lý do khiến họ phải tính toán giảm tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trong xét tuyển đầu vào.
Ngoài ba trường trên, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) cũng đang lên phương án tổ chức kỳ thi riêng từ năm 2025 để xét tuyển, sau khi điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp và học bạ ở nhiều ngành chạm mốc 28-29/30. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết dự kiến thêm nhiều trường sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực HSA để tuyển sinh.
Hiện các trường đại học dùng hơn 20 phương thức xét tuyển. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học cao nhất ở phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
T.H (theo VnExpress)