Giáo dục và đào tạo

Điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất 5 năm

TB (theo VnExpress) 20/07/2024 11:40

Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 6,75, cao nhất trong 5 năm, kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn xét tốt nghiệp là mục tiêu chính, thay vì "2 trong 1" như trước.

Trong đó, các môn khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) - tổ hợp được 66% thí sinh lựa chọn - có điểm thi cao hơn khoa học tự nhiên (hóa, lý, sinh). Điểm văn trung bình cũng tăng 0,4 so với năm ngoái. Hơn 687.000 bài đạt 7 điểm trở lên, chiếm 64,57% tổng số thí sinh, cao kỷ lục.

Từ khi kỳ thi tập trung vào mục đích tuyển sinh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn ổn định ở mức trên 98%. Theo thống kê của bộ, 40-50% số thí sinh đỗ đại học hàng năm bằng cách dùng điểm kỳ thi này.

Lý giải, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho rằng trước năm 2020, kỳ thi THPT còn mang yếu tố "2 trong 1" - kết quả vừa dùng để xét tốt nghiệp, vừa để các trường đại học tuyển sinh. Vì mang hai mục tiêu, đề thi khó chuẩn hóa - năm khó, năm dễ. Đơn cử, đề năm 2018 được đánh giá khó nhất dẫn đến điểm thi giảm mạnh.

Từ năm 2020, kỳ thi chỉ còn một mục đích chính là xét tốt nghiệp. Điểm thi tốt nghiệp là một trong nhiều phương thức tuyển đầu vào của các đại học. Khi mục đích, nội dung thi ổn định, giáo viên, học sinh sẽ có kinh nghiệm và sự chuẩn bị tốt hơn, kết quả năm sau nhỉnh hơn năm trước.

"Năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình cũ (2006), có lẽ tất cả thí sinh đều có tâm lý đây là cơ hội cuối nên quyết tâm ôn tập, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn", ông nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng, phân tích điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 cao nhất 5 năm qua nhờ sự ổn định của cấu trúc đề thi.

"Ví dụ môn lý có 4 câu thuộc chương trình lớp 11, nằm ở một số nội dung cụ thể. Như vậy, khi ôn tập cũng dễ định hướng, từ đó học sinh đạt kết quả cao hơn", ông dẫn chứng.

Do đó, các địa phương đã quen với kỳ thi, từ công tác định hướng, tập huấn chuyên môn tới tổ chức. Các giáo viên có kinh nghiệm dễ dàng khoanh vùng kiến thức ôn luyện cho học sinh, dẫn tới chất lượng được cải thiện.

Số điểm liệt giảm là một trong những biểu hiện. Đề thi tốt nghiệp thường có 30% câu hỏi nhận biết. Một học sinh yếu, kém hoàn toàn có thể làm được trên 1 điểm sau vài tuần học thuộc một số khái niệm quan trọng.

Tuy điểm trung bình cao, năm 2024 ghi nhận số điểm 10 giảm 33% so với năm 2023. Trong đó, các môn giảm điểm tuyệt đối là sinh, lý, giáo dục công dân, đặc biệt môn toán không có điểm 10.

Tỷ lệ đạt điểm 10 cao nhất vẫn là môn giáo dục công dân, sau đó là địa và hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Chương cho rằng, tổng số điểm 10 giảm do giáo dục công dân - môn thường có nhiều điểm tuyệt đối nhất, năm nay giảm 1/4 so với 2023 - từ 14.700 còn 3.360. Khảo sát các giáo viên phụ trách môn này, ông cho biết lý do phổ biến là đề thi dài hơn, một số câu hỏi tình huống đưa nhiều nhân vật và tình tiết, làm tăng độ nhiễu. Với toán - môn duy nhất mà cả triệu thí sinh không ai được 10, có 4 câu cực khó, chống bấm máy tính.

"Kể cả khoanh bừa, học sinh cũng khó đúng tuyệt đối", ông đánh giá.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, trong 9 môn thi, phổ điểm các môn khoa học tự nhiên và môn Sử có độ phân hóa tốt hơn, đồ thị dạng hình chuông, gần đạt mức phân bố chuẩn. Trong khi, hầu hết môn khoa học xã hội lại quá nhiều điểm giỏi, phổ điểm lệch phải (trừ ngoại ngữ).

Theo phân phối chuẩn trong thống kê học, phổ điểm đẹp có dạng hình chuông, thể hiện được sự phân loại thí sinh giữa các nhóm trình độ: rất kém, kém, trung bình, khá, giỏi, rất giỏi. Ngược lại, nếu phổ điểm bị lệch, dù về bên nào cũng khiến việc xác định trình độ thí sinh khó khăn, nhất là khi đỉnh phổ điểm nghiêng về bên phải nhiều hơn thì "khó chọn được người giỏi thực sự".

Đối sánh giữa các địa phương, nhiều tỉnh, thành phía Bắc và Trung Bộ có điểm thi cao hơn so với trung bình cả nước năm 2024 (6,75 điểm). Trong khi, Tây Bắc và Tây Nguyên có nhiều tỉnh điểm dưới trung bình.

Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn trong giai đoạn 2021-2024. Tỉnh này có 10 lần đứng đầu ở môn lý, sử, địa giáo dục công dân.

Theo sau là Nam Định với 7 lần lọt top 1 ở môn toán, hóa, địa. Trong khi đó, Hà Nội không lọt vào nhóm tỉnh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất, TP Hồ Chí Minh thì chỉ đứng đầu môn tiếng Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Chương không bất ngờ với xu hướng này, bởi các tỉnh top đầu về điểm thi tốt nghiệp đều có giáo dục mũi nhọn phát triển. Ví dụ, top 10 địa phương có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia 2024 có tới 9 tỉnh, thành miền Bắc và Trung. Nhiều học sinh góp mặt trong các đội tuyển Olympic quốc tế đến từ Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng thí sinh gấp hàng chục lần các tỉnh, thành khác, việc giữ chất lượng đồng đều là rất khó. Cụ thể, Hà Nội có hơn 109.000 thí sinh, chiếm khoảng 10% cả nước; TP Hồ Chí Minh là hơn 90.000, tương đương 8,4%. Chưa kể, số thí sinh tự do ở hai thành phố là hơn 10.000, chiếm 22% cả nước. Đây là nhóm mà địa phương không thể kiểm soát chất lượng, khiến kéo giảm điểm trung bình chung.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, lý giải địa phương này thường không lọt vào top dẫn đầu điểm thi tốt nghiệp, bởi sự khác biệt giữa định hướng dạy học và nội dung đề thi.

Thành phố đã đổi mới dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh từ nhiều năm nay, tương tự định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi, đề thi tốt nghiệp vẫn bám theo chương trình cũ (2006). Thêm vào đó, 5 trên 6 môn theo dạng trắc nghiệm, không đánh giá được toàn bộ năng lực, khả năng lập luận, tư duy của học sinh.

"Dạy học không chỉ để giải quyết một bài toán hay để giành điểm cao trong một kỳ thi, phải làm sao để đứng trước bất kỳ vấn đề nào học sinh cũng có tư duy để giải quyết", ông nói.

Sau 5 năm ổn định, từ 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi. Số bài thi giảm từ 6 xuống 4. Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc (toán, văn), hai môn lựa chọn (trong số các môn đã học). Các câu hỏi thay vì trắc nghiệm đơn thuần được bổ sung thêm hình thức khác như điền từ vào chỗ trống hay sắp xếp câu. Mục đích là giúp thí sinh giảm áp lực, trong khi đánh giá chính xác hơn năng lực.

Ông Chương hy vọng kỳ thi có thể khắc phục những tồn tại, chẳng hạn học tủ, đoán đề môn văn; thí sinh chọn thi các môn xã hội vì cho rằng đề dễ; hay đề trắc nghiệm có câu quá khó, gây khó khăn trong phân loại thí sinh... Theo ông, nếu thực hiện được việc kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất người học, kỳ thi sẽ tác động ngược lại quá trình học ở THPT, để các giáo viên và học sinh không cần chạy theo "học để thi", mà là "học để hiểu".

"Đây đều là những điều không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Tôi hy vọng sau ba năm, mọi thứ sẽ ổn định và có hiệu quả rõ rệt như mục tiêu đề ra", ông nói.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất 5 năm