Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, đánh giá khách quan chất lượng dạy và học
Chiều 7/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông có hiệu lực từ năm 2018. Do vậy, bộ xác định đây là kỳ thi có quy mô, tính chất hết sức quan trọng trong năm học 2024-2025.
Ông Phạm Ngọc Thưởng thông tin thêm, ngay từ đầu năm, lãnh đạo bộ đã tập trung chỉ đạo trên nguyên tắc bám sát vào Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 144 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, bảo đảm chất lượng, bảo đảm đánh giá khách quan chất lượng dạy và học và cung cấp dữ liệu đủ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học cao đẳng trong công tác tuyển sinh.
Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai 4 nội dung, trong đó là công bố phương án thi thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi vào ngày 28/11/2023, sớm hơn một năm rưỡi tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục; ban hành cấu trúc, định dạng đề thi để thầy cô, học sinh thuận lợi trong công tác dạy và học; tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề; bộ ban hành văn bản, hướng dẫn chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị mọi phương án về cơ sở vật chất, nhân lực, chuyên môn cho công tác thi tốt nghiệp THPT 2025.
Với những việc đang và sẽ làm, bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9/2024 ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030; bộ đang xây dựng quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, sau khi tiếp thu các góp ý hoàn thiện, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 11/2024, sớm hơn 3 tháng so với các quy chế khác được ban hành.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng ban hành công bố đề thi mẫu cho học sinh và giáo viên có căn cứ trong quá trình giảng dạy tại cơ sở; bộ cũng sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn công tác chuyên môn liên quan đến ra đề thi, đồng thời bộ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt các nhóm nhiệm vụ: tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo giáo viên, công tác dạy và học thường xuyên; Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phần mềm tổ chức kỳ thi.
“Với tinh thần chuẩn bị như vậy, bộ đã chủ động, tích cực bám sát nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết và từ thực tiễn. Đây là công việc có tác động đến xã hội rất lớn, bộ mong muốn các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục tuyên truyền để tăng cường nâng cao nhận thức đặc biệt là công tác dạy học và phương án thi trong thời gian tới,” Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nói.
VN (theo TTXVN)