Chỉ ít ngày đầu tháng 4 nhưng cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ việc chó cắn người tử vong khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Khoảng 18 giờ ngày 3.4, tại thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên), cháu Nguyễn Đắc Ng. (sinh năm 2012) đã bị một đàn chó lao vào tấn công. Mặc dù sau đó có vài người lớn xuất hiện can thiệp nhưng cháu Ng. vẫn không qua khỏi. Vụ việc còn chưa nguôi ngoai thì trưa 9.4, lại thêm bé Sồng A N. (11 tuổi, ở bản Mun Say, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) tử vong sau hơn 3 tháng bị chó nhà bác họ cắn.
Ở Hải Dương, sau 25 năm không có ca tử vong do bệnh dại thì từ năm 2016 đến nay đã có 4 trường hợp chết vì bệnh dại do người dân chủ quan không đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.
Chó, mèo là những động vật gần gũi với con người, được nhiều gia đình nuôi để trông giữ nhà, bắt chuột... Không ít gia đình thường coi chó, mèo là thú cưng. Nhiều người thường xuyên ôm hôn, thậm chí cho thú cưng của mình ngủ chung, đi đâu cũng như hình với bóng... Đối với họ, những con vật ấy như một người bạn thân nên hết lòng yêu chiều. Những người có điều kiện kinh tế còn sẵn sàng vung tiền cho thú cưng của mình được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Tại TP Hải Dương hiện có nhiều cửa hàng chăm sóc chó, mèo cảnh trên đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Nguyễn Lương Bằng, Bạch Đằng... Các cửa hàng này làm dịch vụ tỉa lông, cắt móng chân, tắm, xịt thuốc diệt côn trùng ký sinh… cho các con vật. Giá chăm sóc sắc đẹp cho một con thú cảnh không hề rẻ, từ 200.000-400.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, súc vật dù có khôn đến mấy cũng chỉ là súc vật mà thôi. Chúng chỉ thân thiết với chủ nhân, còn đối với mọi người xung quanh thì đây lại là mối nguy hiểm khó lường.
Pháp luật đã có những quy định rõ ràng đối với những người nuôi chó, mèo. Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng; không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng... Phải đăng ký nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình...
Quy định là vậy nhưng dường như rất nhiều người nuôi chó, mèo lại không hề biết đến. Nhiều nhà thường xuyên thả rông chó, mèo. Nhiều người dắt chó đi dạo, mang chó đi chơi nhưng không cho chó đeo rọ mõm. Có con chó được đeo xích nhưng đến nơi công cộng thì chủ của nó lại tháo ra để thú cưng được tự do. Một số nơi công cộng như công viên, khu vui chơi... trở thành "nhà vệ sinh" công cộng cho những con vật tự do phóng uế, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Không ít người đi xe máy đã bị tai nạn vì không kịp tránh những chú chó bất chợt lao ra đường. Mặc dù kỳ tiêm phòng nào, các cán bộ thú y cơ sở, trưởng thôn, khu dân cư, hệ thống đài truyền thanh... cũng tuyên truyền ráo riết nhưng vẫn còn rất nhiều nhà phớt lờ, không đưa chó, mèo đi tiêm phòng. Đặc biệt, vì là con vật nuôi thân thiết nên nhiều người bị chó mèo cắn thường chủ quan, không đi tiêm phòng bệnh dại. Đến vài tháng sau, khi phát hiện có những triệu chứng của bệnh dại thì đã quá muộn, không thể cứu chữa.
Những cái chết đau lòng của 2 cháu bé ở Hưng Yên, Sơn La một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo việc quản lý vật nuôi trong các gia đình. Các cấp chính quyền cơ sở cần thường xuyên kiểm tra việc quản lý đàn vật nuôi ở các thôn, khu dân cư, kiên quyết yêu cầu các chủ hộ nuôi phải đưa chó, mèo đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Mọi người cần thẳng thắn nhắc nhở nếu các gia đình thả rông chó, mèo; mang chó ra đường mà không đeo cho chúng rọ mõm, xích...
KIM THANH