Vừa qua, 8 chiến sĩ công an của tỉnh Hưng Yên khi trấn áp đối tượng buôn bán ma túy đã bị phơi nhiễm với HIV.
Nhân viên y tế làm các thủ tục xét nghiệm máu cho bệnh nhân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Trước sự việc trên, tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ về nguy cơ nhiễm HIV của các chiến sĩ công an trong khi làm nhiệm vụ.
- Thưa ông, Cục Phòng chống HIV/AIDS có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn về sự việc 8 chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên bị phơi nhiễm HIV?
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Vừa qua đã xảy ra sự việc 8 chiến sĩ Công an của tỉnh Hưng Yên bị phơi nhiễm HIV khi bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy.
Qua báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hưng Yên - đơn vị thường trực về phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên - chúng tôi được biết: Ngày 6.6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang đối tượng Tạ Văn Lý (sinh năm 1976, trú tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại quốc lộ 39A.
Qua đấu tranh, Lý đã khai mua heroin từ Huyền. Lực lượng chức năng đã khám xét nhà của đối tượng Huyền là người bán ma túy cho Lý. Khi tổ chức khám xét nhà của Huyền, anh trai của Huyền là Nguyễn Văn T. sinh năm 1972 là người nhiễm HIV, từng có 2 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy đã hết sức manh động, sử dụng dao đe dọa, chống trả quyết liệt lực lượng thực thi nhiệm vụ.
T. đã dùng dao tự cứa vào tĩnh mạch trên cổ tay mình cho chảy máu, rồi cầm dao xông vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ.
Mặc dù biết đối tượng bị nhiễm HIV, nhưng với tinh thần cương quyết đấu tranh trấn áp tội phạm và tính nhân văn, các chiến sĩ cảnh sát hình sự đã không ngại nguy hiểm đến tính mạng, kiên quyết khống chế, bắt giữ đối tượng. Đồng thời, cảnh sát còn băng bó vết thương, bảo toàn tính mạng cho đối tượng T.
Trong quá trình khống chế đối tượng đã có 8 chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV do bị thương, xây xát và dính máu của đối tượng.
- Ông có thể giải thích rõ hơn thế nào là phơi nhiễm với HIV đối với những người bình thường và khỏe mạnh?
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Phơi nhiễm với HIV được xác định là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Hiện nay, Bộ Y tế chia ra 2 loại phơi nhiễm HIV là phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp tức là phơi nhiễm HIV trong quá trình tác nghiệp mà cụ thể như cán bộ y tế bị kim tiêm hay kim khâu có dính máu của người nhiễm HIV đâm vào hay công an trấn áp tội phạm như trường hợp chúng ta đang đề cập.
Loại thứ hai là phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp tức là bị phơi nhiễm HIV không do nghề nghiệp như quan hệ tình dục do không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; Sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma túy.
Về bản chất cả hai loại đều là có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Việc phân chia 2 loại để phục vụ cho việc thực hiện các chính sách xã hội.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Theo Phó Cục trưởng, nguy cơ nhiễm HIV của 8 cán bộ chiến sĩ công an trong sự việc trên có nguy hiểm?
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Trong trường hợp trên, nguy cơ nhiễm HIV của các các bộ chiến sĩ công an trên được đánh giá khách quan dựa trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất là việc đánh giá nơi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào. Nếu máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào các vùng da hay niêm mạc của các chiến sĩ công an bị xây xát, tổn thương thì có nguy cơ. Vùng da niêm mạc tổn thương càng rộng thì nguy cơ cao hơn. Nếu máu và dịch cơ thể của người nhiễm HIV đó bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ.
Thứ hai là việc xử lý vết thương của cán bộ chiến sĩ công an sau đó thế nào. Nếu tổn thương da chảy máu mà rửa ngay vết thương dưới vòi nước hay rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch thì nguy cơ cũng giảm đi rất nhiều.
Thứ ba là tình trạng nhiễm HIV của người gây phơi nhiễm. Với trường hợp này, đối tượng T. đã được xác định nhiễm HIV và hiện đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) từ năm 2010.
Theo báo cáo của cơ sở điều trị cho T. lần xét nghiệm tải lượng virus gần đây nhất cuối năm 2017 thì tải lượng virus của T là 164 bản sao/ml máu, tức là tải lượng virus trong máu của bệnh nhân T. là rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy, khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV và đạt tải lượng virus thấp thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác cũng thấp.
Thứ 4 là điều trị thuốc kháng virus sau phơi nhiễm: Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt. Tối ưu nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm.
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên cả 8 chiến sĩ công an đều được khám, xét nghiệm HIV, tư vấn và được cấp thuốc ARV miễn phí để điều trị trong vòng 20 giờ. Có thể nói thời gian điều trị ARV như vậy là sớm.
Với tất cả các yếu tố trên, có thể nói nguy cơ nhiễm HIV của 8 cán bộ công an tỉnh Hưng Yên là có, tuy nhiên không cao.
- Với 8 cán bộ, chiến sĩ công an, thời gian tới họ được theo dõi sức khỏe tiếp theo ra sao?
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Các cán bộ, chiến sĩ công an này hiện đã được làm đầy đủ các thủ tục về phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp như xử trí ban đầu, lập biên bản, tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc ARV.
Công việc tiếp theo là tư vấn hỗ trợ tâm lý để các chiến sĩ yên tâm nếu cần thiết, đồng thời theo dõi tác dụng phụ của ARV trong quá trình điều trị để đảm bảo việc điều trị ARV đủ liệu trình 28 ngày và tổ chức xét nghiệm lại HIV cho 8 chiến sỹ này sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm.
- Ông có lời khuyên nào không chỉ riêng những cán bộ chiến sĩ công an mà với nhiều người dân trong các trường hợp tương tự khi có nguy cơ bị phơi nhiễmHIV?
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh: Như tôi đã đề cập, các cán bộ y tế cũng như cán bộ chiến sĩ công an hay nhiều người dân có thể đối mặt với phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp. Việc này không biết nó xảy ra khi nào và với ai. Tuy nhiên khi bị phơi nhiễm với HIV, mọi người cần bình tĩnh xứ lý.
Với vết thương tại chỗ: Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần.
Sau đó, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần.
Tôi cũng lưu ý, hiện nay tất cả các trường hợp điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV trong môi trường nghề nghiệp đều được nhà nước bảo đảm miễn phí.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!
THÙY GIANG (VIETNAM+)