Ẩm thực

Thảo thơm lễ vật dâng vua

VŨ THANH 17/04/2024 11:00

Trong các dịp lễ hội, mỗi lễ vật dâng cúng vua Tổ của người dân đều lắng đọng giá trị văn hóa truyền thống, tấm lòng thảo thơm, thành kính tri ân công đức tổ tiên.

00:00

5150ec38904b4f15165a.jpg
Thi giã bánh giầy trong Lễ hội Đền Hùng

Do đặc trưng tập quán cư dân nông nghiệp, hạt lúa được coi là báu vật, “ngọc thực” nuôi sống con người. Vậy nên lễ vật dâng cúng Vua tổ trong các dịp lễ trọng không thể thiếu sản vật làm từ hạt lúa. Truyền thuyết kể rằng Hoàng tử Lang Liêu là con trai của Vua Hùng Vương thứ sáu, nhờ thần nhân báo mộng chỉ dạy nên đã làm ra bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua cha và được kế nghiệp ngôi báu. Kể từ ngày ấy, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy tròn tượng trưng cho trời đã trở thành lễ vật đặc trưng dâng cúng tổ tiên. Hiện nay, ở các làng quê có sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, hầu hết cư dân đều coi bánh chưng, bánh giầy là lễ vật bắt buộc phải dâng trong mâm lễ thờ.

Nhiều năm nay, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, tỉnh Phú Thọ đều tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy truyền thống. Các đội giành giải nhất sẽ được vinh dự làm bánh chưng, bánh giầy cho mâm lễ vật dâng lên vua Hùng trong lễ dâng hương ngày 10/3 âm lịch.

img_8643.jpg
Người dân xã Đào Xá (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) rước lễ vật ra đình làng

Là người Việt, ai cũng biết truyền thuyết Hùng Vương thứ 18 kén rể với yêu cầu lễ vật “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Không hoàn toàn là những yếu tố hư cấu hoang đường, tại vùng đất Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vẫn bảo tồn được giống gà quý nhiều cựa, trong đó, những con gà trống có chín cựa đều được chọn để làm lễ vật dâng cúng.

Cùng với giống gà quý nhiều cựa, việc chọn gà lễ trong quá trình thực hành nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có nhiều nét độc đáo. Làng cổ Hùng Lô (TP Việt Trì) thờ các vua Hùng là Thành hoàng. Ở đây vào dịp mùng 10 tháng ba âm lịch lễ cúng vua Hùng gắn liền với lễ hội truyền thống trồng kiệu tế lễ, rồi rước về Nghĩa Lĩnh. Theo truyền thuyết còn lưu truyền, xa xưa, khi vua Hùng cùng quan quân đi săn ở tận miệt rừng Thanh Sơn, Thanh Thủy, cuộc săn thu được nhiều gà rừng quý hiếm. Trên đường về Kinh đô, qua đất Hùng Lô (Kẻ Xốm), vua truyền cho dừng lại nghỉ và thịt gà khao quân cùng dân làng. Từ đó, dân làng cùng nhau lập dựng ngôi đình Hùng Lô và hằng năm, cứ vào dịp giỗ Đức Vua, cả làng lại tập trung mở hội, chọn gà làm cỗ thờ, tế tại đình làng, rồi đặt lên kiệu rước về Nghĩa Lĩnh dâng các vua Hùng.

Một trong các nghi thức phục vụ cho cuộc tế lễ ngày chính hội là việc chuẩn bị gà thờ. Ngay từ đầu năm mới, dân làng đã họp bàn để bầu chọn người đảm trách việc làm cỗ thờ và nuôi gà thờ. Quy trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ thức ăn, cách chăm sóc với lòng thành kính, trách nhiệm cao. Đến ngày lễ hội, con gà nào được chọn lọc làm cỗ thờ đều được gọi là “ông gà”. Người mổ gà và đảm trách việc luộc gà cũng được chọn từ những người từng trải, có kinh nghiệm mổ moi, biết cách uốn cổ gà, luồn cánh tiên đưa vào nồi luộc. Nồi luộc “ông gà” phải là nồi đồng to, đã được đánh trấu cho sáng trước đó. Nước luộc phải được lấy từ giếng làng, hoặc có năm lấy từ giữa dòng sông Hồng.

Cũng như Hùng Lô, nhiều địa phương còn cầu kỳ hơn trong việc lựa chọn, chăm sóc, chế biến gà lễ. Thậm chí khi luộc, không nhúng cả gà trong nồi mà hai người khênh, những người khác dùng từng gáo nước sôi dội liên tục trong thời gian dài, bảo đảm gà không bị nứt, không sứt chân, đủ chín, da vàng đẹp mã...

img_7156.jpg
Người dân xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) chuẩn bị lễ vật từ thịt lợn đen

Một trong những đồ thờ cúng quen thuộc ở các cuộc thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là thịt lợn đen, gắn với tín ngưỡng tế hèm độc đáo. Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày đầu tháng giêng, Vua Hùng cùng con rể Tản Viên và quần thần kéo nhau đi săn bắn. Đến đất làng Vân Luông (xã Vân Phú, TP Việt Trì nay), vua Hùng cùng đoàn săn bỗng thấy một đàn lợn rừng xuất hiện, hung hãn xông thẳng vào đoàn vua tôi. Vua Hùng giương cung định bắn, nhưng Tản Viên nhanh tay ngăn lại và xin phép vua cha cho được trổ tài. Vua vừa gật đầu, Tản Viên đã nhanh nhẹn tay không xông vào bắt sống con lợn đầu đàn. Số lợn còn lại sợ hãi, tan tác vào rừng. Vua Hùng rất bằng lòng, ban truyền lệnh giết lợn ăn mừng. Thịt lợn được chia ra sáu phần, dùng năm phần khao quân và dân chúng sở tại, còn một phần gửi Tản Viên mang về biếu mẹ.

Từ đấy, để ghi nhớ công ơn các vua Hùng, dân làng đã lập đền thờ ngay tại khoảnh đất vua cho thịt lợn rừng khao quân năm xưa, và thường niên tổ chức lễ hội “ném chài” để nhắc lại tích đi săn của đức vua.

Từ lợn lễ đến người chăm sóc, giết mổ, chế biến đều được dân làng lựa chọn rất cầu kỳ, nghiêm ngặt. Lợn làm đồ tế lễ phải là lợn đực, đen tuyền. Gia đình nuôi lợn phải có kinh tế khá giả, chấp hành tốt cả lệ làng lẫn phép nước, vợ chồng con cái hòa thuận, trong năm không có việc tang. Người được chọn để chọc tiết lợn phải ở tuổi trung niên trở lên, có uy tín trong làng và phải kiêng khem chặt chẽ: không được ăn hành, kiệu, cấm đi dự đám tang hoặc ăn cơm nhà đám; giáp ngày hội thì thân thể phải sạch sẽ...

Cũng dùng lợn đen làm lễ dâng cúng, trong lễ hội “Rước Vua Hùng về làng ăn Tết” cư dân làng He (làng Vi và làng Trẹo hiện nay, huyện Lâm Thao) tổ chức thực hành lễ săn lợn, tục địa phương gọi là “chạy địch”. Đại diện của hai làng cho khênh hai con lợn đen tuyền, to khỏe từ làng mình đưa vào bãi hội. Trong khi dân làng vây quanh hò reo, gióng chiêng, trống rộn vang, hai nhóm thanh niên xô vào dồn lợn chạy khắp bãi. Khi hai con lợn không còn sức chạy nữa, hai nhóm người mới xông vào bắt đem về sân đình làng mình mổ thịt, chế biến thành đồ lễ dâng cúng Vua Hùng...

VŨ THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảo thơm lễ vật dâng vua