Thanh Hà diệt chuột trên vùng chuyển đổi

24/03/2014 05:55

Ngoài việc diệt chuột cho lúa, người dân ở Thanh Hà còn tập trung diệt chuột trên vùng đất chuyển đổi để bảo vệ năng suất, giá trị kinh tế cây ăn quả, cây lấy củ.



Mỗi năm, ông Đỗ Đắc Thêm ở thôn Lang Can 3, xã Thanh Lang, đặt mồi diệt chuột 10 lần ở vùng chuyển đổi


Xã Thanh Lang (Thanh Hà) có khoảng 400 ha đất chuyển đổi, trồng các loại cây như: ổi, vải, nhãn và sắn dây. Do đặc thù canh tác nhiều hang hốc, ụ đống nên tạo điều kiện cho chuột sinh sôi, tàn phá cây ăn quả. Những năm trước, người dân bị thiệt hại nhiều do dịch chuột, nhất là vào dịp cuối năm, nhiều nhà mất trắng hàng chục ụ sắn dây. Trước tình hình đó, những người làm vườn đã chủ động làm bẫy, bả để diệt chuột, phát triển kinh tế. Nông dân ở đây không diệt chuột theo định kỳ của xã, huyện mà họ đánh bắt thường xuyên để bảo vệ mùa củ, quả. Ông Đỗ Đắc Thêm ở thôn Lang Can 3 cho biết: “Tôi có 1 mẫu vườn, chủ yếu trồng ổi và sắn dây. Có năm tôi thiệt hại 30 ụ sắn do chuột đào phá, cắn ngọn. Vì thế, khi vừa trồng lại, tôi đặt mồi diệt chuột ngay. Một năm tôi diệt chuột hơn 10 lần, trộn thuốc với thóc ngâm, sau đó đặt bả trên đường đi của chuột. Vì thế, mấy năm gần đây, cả ổi và sắn dây bảo đảm được năng suất”. Ông Tăng Bá Hoài, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Lang cho biết: “Ngoài việc người dân chủ động diệt chuột, 3 năm nay, UBND huyện đều hỗ trợ 50% kinh phí mua thuốc diệt chuột cho các xã. Không có tổ, đội diệt chuột, nên HTX phụ trách việc pha trộn thuốc và cấp phát đến tận nơi cho khu dân cư, hộ dân”.

Xã Liên Mạc có khoảng 447 ha đất chuyển đổi, chủ yếu trồng ổi. Cây ổi là nguồn thu chủ lực của bà con nông dân trong xã. Với phương châm “phòng hơn chống”, nông dân ở đây bảo vệ cây ăn quả ngay từ khi bắt đầu trồng. Khi cây ổi còn nhỏ, nông dân dùng ni-lông vây quanh gốc để chuột không leo lên cắn ngọn và đặt mồi diệt chuột tận gốc. Công việc đó đã trở thành thói quen, thường xuyên đối với người trồng ổi ở đây. Vì thế, đến nay, nông dân xã Liên Mạc không còn lo lắng nhiều với nạn chuột.

Sau mỗi lần đánh bắt chuột, các vùng trồng sắn và ổi ở Thanh Hà không còn bị chuột tàn phá như trước, năng suất cây ăn quả tăng lên. Bình quân, mỗi năm xã Liên Mạc thu hoạch được hơn 8.000 tấn ổi, doanh thu hơn 42 tỷ đồng. Ông Tiêu Công Thú, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Mạc cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng ở Liên Mạc có vùng cây ăn quả, nhiều ụ đống nên sẽ có nhiều chuột. Tuy nhiên, từ khi lập các vùng chuyển đổi để trồng cây ăn quả, nông dân đã chủ động diệt chuột bằng nhiều phương pháp. Do đánh bắt thường xuyên nên đến nay, chuột không nhiều và cũng không còn là mối lo của nông dân”.

Năm nay, tỉnh và huyện Thanh Hà hỗ trợ 456 kg thuốc diệt chuột giúp nông dân bảo vệ mùa màng. Lượng thuốc này chủ yếu sử dụng diệt chuột trên diện tích cấy lúa. Ông Phạm Sĩ Viễn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Hà cho biết: “Kế hoạch diệt chuột ở cả vùng lúa và cây ăn quả được UBND huyện rất quan tâm. Từ năm 2014, huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho những địa phương đăng ký mua thuốc diệt chuột trên vùng chuyển đổi. Được biết, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 150 triệu đồng hỗ trợ huyện mua thuốc cấp cho các xã diệt chuột trên vùng cây ăn quả”.

Hiện nay, ngoài thuốc diệt chuột sinh học CAT, nông dân còn sử dụng một số loại thuốc hóa học để đánh bắt nhanh. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường gây ô nhiễm môi trường và chưa an toàn. Thời gian tới, các phòng chuyên môn ở huyện Thanh Hà, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cần tích cực khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc diệt chuột hiệu quả, bảo đảm an toàn.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Thanh Hà diệt chuột trên vùng chuyển đổi