Thảm kịch 39 người chết ở Anh: Trách nhiệm tối thượng

02/11/2019 10:22

Khi một thảm kịch 39 người chết như ở Essex (Anh) xảy ra, lẽ tự nhiên là tất cả mọi người đều muốn truy tìm trách nhiệm.


Camera giám sát của Cơ quan bảo vệ biên giới Canada (CBSA) cho thấy cảnh một “đầu rắn” dẫn đầu một nhóm người Trung Quốc đi vào tỉnh bang British Columbia trái phép hồi tháng 6.2015

Nhưng trách nhiệm đầu tiên của tấn thảm kịch có lẽ không phải là của (những) chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải những nạn nhân đó và gia đình họ và thậm chí không phải của bọn buôn người.

Vấn đề chính là một chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu.

Thật vậy, di cư của lao động là một quá trình tự nhiên đã diễn ra từ ngàn xưa và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, với cường độ ngày càng cao, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, khi các tiến bộ về giao thông vận tải và công nghệ thông tin ngày càng rút ngắn các khoảng cách.

Công dân Việt Nam, từ chỗ bị cấm cản ra nước ngoài mới vài chục năm trước, nay hầu hết đã có thể dễ dàng làm một tấm hộ chiếu thời hạn 10 năm.

Chính phủ có thể cần nỗ lực hơn trong các hoạt động hướng dẫn và cung cấp thông tin cho người dân ở những vùng có truyền thống đi lao động ở nước ngoài, hỗ trợ việc ra đi hợp pháp và tăng cường hoạt động chống buôn người, nhưng Chính phủ không thể và không nên kiểm soát việc người dân đi đâu, làm gì, mưu cầu hạnh phúc ở chốn nào, dù là quốc nội hay quốc ngoại.

Ở mọi quốc gia, dù giàu hay nghèo, sẽ luôn có một bộ phận dân chúng muốn mưu cầu hạnh phúc ở một quốc gia khác - khoảng 4 triệu người Đức hiện sống bên ngoài nước Đức, 17 triệu người Nigeria cũng vậy (Việt Nam cũng là 4 triệu). Đó là một nhu cầu tự nhiên và chính đáng. Nghiên cứu "Lên đường sang Vương quốc Anh.

Một nghiên cứu thực địa người di cư Việt Nam", công bố tháng 3-2017 (xem bài trước), đã chỉ ra những người ra đi không hề nghèo khổ hay "không còn lựa chọn nào khác" như định kiến thông thường. Thật ra họ có nhiều lựa chọn, và đã lựa chọn ra đi.

Chính việc ngăn trở mong muốn đó một cách bất hợp lý là gốc rễ của những bi kịch như ở Essex. Khi người ta không thể ra đi theo dòng chảy tự nhiên của nhu cầu lao động và thị trường một cách hợp pháp, đó sẽ là nơi các băng đảng buôn người lấp vào chỗ trống.

Khoảng 2 tuần trước thảm kịch Essex, báo Anh Independent đăng bài của một bỉnh bút nhập cư phụ nữ da màu, Kuba Shand-Baptiste, với tựa đề: "Hệ thống nhập cư ở Vương quốc Anh đã đổ vỡ về mặt ý thức hệ".

Bài viết nêu ra cái chết của Dexter Bristol, người nhập cư Grenada (một đảo quốc ở Caribê bị Anh chiếm làm thuộc địa giai đoạn 1783-1951) 58 tuổi, tới Anh từ năm 8 tuổi, nay bị bắt buộc phải chứng minh là mình đã định cư ổn định. Sau hai năm không dám đi khám ở các bệnh viện công và sống thường trực trong trạng thái lo lắng bị trục xuất, Bristol gục ngã ngoài đường phố.

Trước bi kịch Essex, vụ việc nghiêm trọng nhất với người nhập cư bất hợp pháp là năm 2000, khi 58 người Trung Quốc chết ngạt trong một chiếc xe tải ở Dover, cũng là lý do khiến Trung Quốc chỉ trích Chính phủ Anh khi mấy ngày đầu còn có tin tức nói tất cả các nạn nhân ở Essex là người Trung Quốc.

"Cách tiếp cận với nhập cư của Vương quốc Anh định hình rõ ràng vào năm 2012, khi cựu thủ tướng Theresa May lần đầu tiên thốt ra những lời sau: "Mục tiêu là tạo ra ở nước Anh này một môi trường thực sự thù địch với nhập cư bấp hợp pháp" - Shand-Baptiste viết - Nhưng đây là một vấn đề đã kéo dài, có tính lịch sử, là sự nối dài của phản ứng với người nhập cư đã tồn tại từ lâu trong người Anh".

Phải nói thêm rằng một phần đáng kể lịch sử đó là do chính người Anh tạo ra, với công cuộc ngoại giao pháo hạm để xây nên "đế quốc mặt trời không bao giờ lặn", rồi việc vẽ lại bản đồ các thuộc địa, để lại tất cả những di sản-di chứng của ngày nay.

Sau vụ Essex, The Washington Post đặt ra "Những câu hỏi mà nước Anh phải hỏi sau khi tìm thấy 39 thi thể ở Essex".

"Buôn người diễn ra trong một hệ thống rộng lớn hơn - bài báo viết - khi người ta rất muốn ra đi, và việc ra đi ngày càng khó khăn với họ. Những con đường an toàn bị đóng chặt, và những ai cố gắng vượt các đường biên giới bị coi là mối nguy về an ninh".

Ở Anh, các chính trị gia hàng đầu, trong xu hướng bảo thủ và dân tộc đang thắng thế cùng Brexit, nhắc đi nhắc lại đường lối chống nhập cư, bất chấp đòi hỏi về lao động của chính nền kinh tế Anh và thực trạng nhân khẩu học đất nước hiện giờ có tới 14% dân chúng sinh ra ở nước ngoài - tức về cơ bản là người nhập cư (tương đương 9,4 triệu người, số liệu năm 2017 của Văn phòng Thống kê quốc gia).

Những cái chết ở Essex không phải là tai nạn hay chỉ diễn ra một lần. Chúng là sản phẩm trước hết của một nền chính trị và chính sách nhập cư phi nhân tính hóa, và đối xử với con người và việc họ di cư (một quyền cơ bản) như những trục trặc xã hội.

Trong giới chính trị gia cánh hữu, có một niềm tin sai lầm là việc xây tường, tức đóng chặt những con đường an toàn và hợp pháp, hình sự hóa hoạt động nhập cư bất hợp pháp và cản trở họ bằng mọi cách sẽ khiến họ ở lại quê nhà.

Thực tế chứng minh tất cả những điều đó không ngăn cản được họ lên đường, chỉ là hành trình của họ giờ hung hiểm hơn rất nhiều. Đóng cửa biên giới, vì thế, không phải là giải pháp, nó chính là một phần của trục trặc.

Khi các chính trị gia nói về con người chỉ dưới dạng con số và những mối đe dọa, khi pháp luật được ấn định hạn chế tự do đi lại của họ thì đồng thời họ cũng đẩy những người đó vào những hoàn cảnh hung hiểm bắt buộc nếu họ muốn mưu cầu hạnh phúc ở ngoài đất nước mình. Các chính sách chống nhập cư hung hăng - ở Anh và trên toàn thế giới - là trọng tâm của toàn bộ câu chuyện này.

Chúng ta không hi vọng, hay mong muốn, chính quyền các nước nghèo như Việt Nam cấm cản người dân đi tìm một cơ hội mới. Chúng ta cũng không thể thay đổi ước muốn mưu cầu hạnh phúc ở nước ngoài của một bộ phận người lao động.

Chúng ta thậm chí khó chấm dứt hoàn toàn nạn buôn người, sẽ luôn có những kẻ cung cấp "dịch vụ" với giá đủ cao khi rủi ro đủ thấp. Nếu có gì có thể thay đổi hợp với tự nhiên và tinh thần nhân bản, thì đó chính là chính sách ở các nước đón nhận người nhập cư.

39 người đã chết trong chiếc xe container ở Essex, giống như 58 người Trung Quốc đã chết 19 năm trước ở Dover - thật trớ trêu, cảnh sát Anh trong vụ Essex lúc đầu nhầm lẫn tất cả các nạn nhân là người Trung Quốc, một sai lầm rất khó chấp nhận và phản ánh chính xác lối tư duy về chính sách nhập cư: Mọi dân châu Á đều giống nhau - e rằng vẫn sẽ chẳng thể gây nổi sức ép lên các chính trị gia.

Ở Anh nói riêng và các nước giàu nói chung, một làn sóng bài nhập cư đang lan ra cùng sự thắng thế của những chính quyền dân túy. Để thật sự ngăn chặn vĩnh viễn những thảm họa như ở Essex - hay những vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải suốt bao năm qua - thì những nền tảng cơ bản của chính sách và luận điệu về nhập cư ở các nước giàu cần phải khác với bây giờ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm kịch 39 người chết ở Anh: Trách nhiệm tối thượng