Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất, những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm được hưởng trợ cấp xã hội trong khoảng 15 năm, ngay từ khi 60 tuổi.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Qua đó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Trao đổi về nội dung này tại Tọa đàm: Quyền lợi bảo hiểm xã hội, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang là Thành viên soạn thảo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho hay: Trong quá trình tổng kết thi hành 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cơ quan soạn thảo đánh giá là có hơn 7.000.000 người sau tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 80 tuổi không được hưởng lương hưu và cũng không được hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng hay trợ cấp hàng tháng. Và đương nhiên những người này cũng không có bảo hiểm y tế dẫn đến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để bao phủ được hết 7.000.000 người này? Và, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng số người sau tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tới 80 tuổi, do quá trình già hóa dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh.
Do đó, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất hai cơ chế. Cơ chế thứ nhất là ngân sách Nhà nước đảm bảo cho những người hạ từ 80 xuống 75 tuổi. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, trước mắt có ít nhất khoảng 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng.
Một câu hỏi đặt ra tiếp là những người dưới 75 tuổi đến trên tuổi nghỉ hưu thì có cơ chế xử lý như thế nào? Trong dự thảo luật lần này, cơ quan soạn thảo thiết kế cơ chế chính sách, có một liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản. Cụ thể là cơ quan soạn thảo tính toán: Nếu một người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 5 năm thì số tiền đóng thời gian đó đủ chi trả trợ cấp xã hội trong khoảng 15 năm. Hay nói cách khác, người ta sẽ được hưởng trợ cấp xã hội ngay từ khi 60 tuổi. Và cùng với việc được hưởng trợ cấp xã hội sớm, họ còn có bảo hiểm y tế hàng tháng. Đó là cái lợi ích thứ nhất.
Lợi ích thứ hai là người cao tuổi có cơ hội được hưởng trợ cấp xã hội ngay trước khi 75 tuổi từ quỹ bảo hiểm xã hội, chứ không phải chờ đến 80 tuổi như theo quy định trợ cấp người cao tuổi trong Luật Người cao tuổi và ngân sách Nhà nước không phải chi thêm.
Cái lợi ích thứ ba là khi đưa đối tượng người cao tuổi từ Luật Người cao tuổi sang hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo sự kết nối và tính thống nhất, đồng bộ hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Như thế giúp cho việc quản lý tốt hơn và đảm bảo cái quyền lợi của người cao tuổi.
Theo Kinh tế và Đô thị