Lao động mất việc khi mới ngoài 40 tuổi, trong khi còn khá nhiều thời gian nữa mới đủ tuổi nhận lương hưu khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn.
Nhiều lao động trung niên lo mất việc sớm, không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội tiếp để hưởng lương hưu
Những khó khăn của kinh tế sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và người lao động. Nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng hoặc cắt giảm lao động. Những người bị ảnh hưởng lớn là lao động phổ thông và trung niên.
Mất việc sớm
Ngoài 40 tuổi, mất việc, các chị Nguyễn Thị Hằng, Phạm Thị Duyên ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) lên Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với thâm niên hơn 10 năm làm trong ngành may mặc, kinh nghiệm có nhiều nhưng chị Duyên và chị Hằng vẫn bị sa thải và rất khó khăn tìm việc làm mới.
Chị Hằng cho biết: “Đơn hàng sụt giảm doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự mà họ nhắm đến đầu tiên là những lao động trung niên như chúng tôi. Đi xin việc chỗ khác thì bị từ chối vì tuổi đã cao”.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương có rất nhiều lao động trung niên đến tìm việc nhưng đều rất khó. Nguyên nhân do phần lớn doanh nghiệp không muốn tuyển lao động ngoài 40 tuổi.
Anh Nguyễn Văn Long, chuyên viên tuyển dụng của một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện, điện tử ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cho biết doanh nghiệp không muốn tuyển lao động tuổi cao vì năng suất lao động của họ sẽ giảm dần theo thời gian. Nhiều lao động của doanh nghiệp khi bước vào tuổi trung niên luôn phấp phỏng vì nguy cơ mất việc. 70% số lao động doanh nghiệp sa thải mỗi năm là lao động trung niên.
Lao động mất việc khi mới ngoài 40 tuổi trong khi còn khoảng 20 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Nếu không được doanh nghiệp tiếp nhận, lao động sẽ không được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đồng nghĩa việc họ không đủ điều kiện hưởng lương hưu sau này.
“Muốn được hưởng lương hưu thì chúng tôi phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mất việc làm, lương không có, bệnh tật nhiều nên khi bước vào tuổi trung niên lấy đâu tiền mà mua bảo hiểm tự nguyện dành dụm cho tuổi hưu”, chị Nguyễn Thị Thuận, Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương) chia sẻ.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, từ đầu năm đến ngày 17.5, Hải Dương có hơn 5.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó hơn 30% là lao động trung niên (ngoài 40 tuổi), tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động trung niên
Mong giảm tuổi hưu
Mất việc ở tuổi trung niên khiến con đường đến nhận sổ lĩnh lương hưu của người lao động thêm khó khăn hơn. Mất việc, người lao động sẽ không được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội. Các quyền lợi dành cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cũng không còn. Khi nghiên cứu Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6 tới, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5.2024, anh Phùng Văn Nhật, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) mong muốn nhà nước nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động.
“Nếu đợi đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu đối với nữ và 65 tuổi đối với nam thì thời gian chờ được hưởng lương hưu quá dài. Tôi hy vọng lần này chính phủ sẽ có phương án giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động”, anh Nhật đề xuất.
Để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng hai điều kiện: đủ năm đóng bảo hiểm và chờ đến tuổi hưu theo quy định. Thách thức này không dễ vượt qua, đặc biệt trước sự cám dỗ của làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần đang lan rộng. Ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang tính toán giảm số năm đóng để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm, đồng thời siết chặt chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần. Những sửa đổi này nhằm tăng khả năng tiếp cận lương hưu của lao động. Song thực tế, nhiều người lao động vẫn rất băn khoăn bởi đề xuất này không phải dành cho số đông mà hướng tới lao động tham gia hệ thống an sinh muộn.
Chị Phùng Thị Hải, công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi (Nam Sách) cho rằng, mong muốn lớn nhất của người lao động là giảm tuổi nghỉ hưu để đường đến lương hưu gần hơn và quan trọng hơn Nhà nước cần có chính sách để lao động trung niên không mất việc sớm.
Ông Phan Nhật Minh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hải Dương khẳng định để được hưởng chế độ bảo hiểm thì người lao động phải tuân thủ nguyên tắc “có đóng, có hưởng”. Do đó giải pháp căn cơ là phải tạo điều kiện để lao động trung niên tiếp tục có việc làm ổn định. Nhà nước cần có giải pháp cụ thể với những doanh nghiệp không tái ký hợp đồng với lao động thâm niên. Doanh nghiệp có thể phân bổ, điều động lao động trên 40 tuổi làm các khâu đơn giản. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế; phí cũng cần ưu tiên những doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách này.
Tỷ lệ lao động bước vào tuổi trung niên của Việt Nam sẽ ngày càng tăng khi nước ta vượt qua giai đoạn dân số vàng. Do đó tìm giải pháp phù hợp cho lực lượng lao động này cần được tính toán sớm để tạo thị trường lao động ổn định, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ của người lao động. |
LAN ANH