Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng chưa thể bỏ hẳn quy định rút bảo hiểm xã hội một lần vào năm 2025 trong bối cảnh người dân còn khó khăn.
Chưa có xu hướng giảm
Sáng 23/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lo lắng thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa có xu hướng giảm.
"Rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến bảo đảm an sinh xã hội lâu dài của người dân. Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền nhưng việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có xu hướng giảm", đại biểu Nga nói.
Đánh giá đây là một vấn đề lớn có tác động sâu sắc đến người dân, đại biểu Nga dự đoán sẽ rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, đặc biệt khi những trường hợp cần rút bảo hiểm xã hội một lần thường gặp khó khăn về kinh tế. Nếu không có những quy định triệt để thì rất khó xoá bỏ tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025) là chưa phù hợp.
Do đó, đại biểu Nga đề nghị các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Thứ hai, quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định rồi mới tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút bảo hiểm xã hội một lần. Nội dung này cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu tác động trực tiếp để đưa ra phương án phù hợp nhất.
Bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội với người hoạt động không chuyên trách
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đại biểu, tại điều 3 dự thảo luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bổ sung các đối tượng là chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
Đại biểu Nga đánh giá điều này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri nhiều năm nay.
"Hầu hết tại các buổi tiếp xúc, cử tri đều kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh vừa qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phản ánh.
PHONG TUYẾT