Thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là biện pháp cần thiết góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông.
Mấy hôm trước, tôi có việc phải đi xe taxi. Tôi hỏi anh lái xe những ngày gần đây có thấy cảnh sát giao thông sử dụng máy đo nồng độ cồn trong khí thở nhiều như vài ngày đầu năm 2020, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mới có hiệu lực không. Anh nói thấy ít người bị "thổi" nồng độ cồn, không nhiều như mấy ngày đầu luật có hiệu lực. Rồi anh cho rằng trong dịp Tết này, cảnh sát giao thông có thể sẽ không sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn, không phạt lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở vì Tết là dịp vui mừng và mọi người thường chúc tụng nhau bằng rượu bia.
Dùng rượu bia trong dịp Tết là một tập tục truyền thống. Khách đến nhà ăn cơm, chúc Tết gia chủ thường nhiệt tình mời uống rượu bia. Đầu năm mới, khách tới chơi nhà, nếu gia chủ mời rượu bia mà không uống thường bị cho là không tôn trọng chủ nhà, sẽ làm "giông" cả năm. Không có chén rượu ly bia, mâm cỗ thiếu loại đồ uống quan trọng.
Tuy nhiên, lạm dụng rượu bia, nhất là với những người lái xe là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới các vụ tai nạn giao thông chết người. Cả nước xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm 183 người chết và 241 người bị thương trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. Biết bao gia đình đau khổ khi người thân, bạn bè tử vong do tai nạn giao thông vì trót uống rượu bia. Lạm dụng bia rượu còn có thể dẫn tới ngộ độc, gây tử vong, ảnh hưởng nặng nề tới thể chất, tinh thần.
Xử phạt nghiêm minh là sự răn đe, cảnh tỉnh cần thiết với những người cầm lái không tỉnh táo do uống rượu bia. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu lái xe có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt nhiều mức khác nhau tùy theo mức nồng độ cồn đo được. Với lái xe ô tô, mức xử phạt cao nhất là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Với lái xe mô tô, mức xử phạt cao nhất 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Cảnh sát giao thông ở nhiều nơi đã áp dụng khung hình phạt cao nhất với các trường hợp vi phạm. Trả lời trên báo chí, nhiều người vi phạm chịu mức phạt nặng dù hậm hực song phải chấp hành và đã nhận ra hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm song cố tình bỏ chạy, "cố thủ" trên xe nhiều giờ để giảm nồng độ cồn...
Thực hiện tốt Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là biện pháp cần thiết góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông. Từ khi có luật này, nhiều người đã không uống rượu bia trước khi lái xe, nếu có uống thì chủ động đi taxi về... Trên báo Hải Dương số ra ngày 14.1.2020 có thông tin đáng mừng: Từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ tiếp nhận 16 bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, giảm 5 ca/ngày so với trước đó.
Để thực hiện luật hiệu quả, ngoài việc xử phạt để cảnh tỉnh chung thì ý thức tự giác không uống rượu bia trước khi tham gia giao thông của mỗi người là yếu tố cốt lõi. Đã uống rượu bia thì không lái xe cũng chính là tự bảo vệ mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Và không chỉ trong dịp Tết mà tất cả thời gian khác, mỗi người nên tự nhủ mình như thế.
TÍCH LỊCH HỎA