Ẩm thực

Những món bánh đặc sản Hải Dương không nên bỏ lỡ trong dịp Tết

PV (tổng hợp) 11/12/2024 11:32

Ở Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán có những món bánh đặc sản trứ danh.

dac-san-3.jpg
Bánh đậu xanh của Hải Dương nức tiếng xa gần, trở thành món quà biếu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, xuân về

Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh mềm, tan ngay trong miệng, có vị ngọt thanh và thơm ngậy. Khi thưởng thức bánh cùng tách trà xanh tạo nên hương vị đặc trưng mà hiếm loại bánh nào có được. Bởi vậy bánh đậu xanh đã trở thành món bánh không thể thiếu trong đầu câu chuyện của nhiều người dân Hải Dương mỗi khi có khách gần xa. Đặc biệt, vào dịp Tết, bánh đậu xanh với màu vàng, hộp đỏ tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn thường là thức quà không thể thiếu để biếu tặng hoặc bày ban thờ ngày Tết.

Để đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế", dịp Tết, các hãng sản xuất bánh đậu xanh thường tung ra những hộp quà gắn với hình con giáp của năm, hình hoa mai, hoa đào...

Bánh gai Ninh Giang

Để làm bánh gai, người ta dùng lá gai trông như lá dâu, phơi khô 2-3 nắng, sơ chế cẩn thận đem nghiền nhỏ thành thứ bột xốp xốp, mịn màng.

dac-san.jpg
Bánh gai Ninh Giang dẻo thơm, ngọt ngào được nhiều người biết đến. Ảnh: Thành Đạt

Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng, mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Bột gạo và bột lá trộn với nhau thật kỹ cùng nước đường đã đun sẵn tạo ra bột mịn dẻo. Nhân của bánh gai được làm từ đậu xanh hấp chín, cùi dừa già, mỡ lợn chín ướp đường trong nhiều ngày. Mứt bí, mứt sen trộn đều cùng tất cả những nguyên liệu trên trong 1 tiếng đồng hồ.

Để phù hợp thắp hương, làm quà biếu vào dịp Tết, hiện nay ngoài bánh gai màu đen còn có bánh gấc với màu đỏ tượng trưng cho may mắn.

Bánh lòng Kinh Môn

banh - long
Bánh lòng là đặc sản truyền thống của người dân Kinh Môn dịp Tết

Loại bánh này được xem là đặc sản truyền thống của người dân Kinh Môn mỗi độ Tết đến xuân về.

Bánh lòng được làm từ những nguyên liệu chính: gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, mứt dừa. Gạo nếp cái hoa vàng đem nổ thành bỏng rồi giã (hoặc nghiền) nhỏ, mịn. Đường trắng đem cô thành mật, đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, thơm và để được lâu. Lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước, cùi dừa làm mứt. Tất cả cho vào nồi đường đảo thật nhanh và đều tay cho đến khi bánh nhuyễn, se mặt, đem đổ vào khuôn gỗ để ép.

Có rất nhiều người nhìn qua cứ ngỡ bánh lòng giống như các loại bánh cáy, chè lam. Nhưng khi thưởng thức đều cảm nhận vị ngon đặc trưng của bánh: mùi thơm, béo ngậy từ gạo nếp cái hoa vàng đặc sản Kinh Môn, của lạc, của vừng, vị cay của gừng và độ ngọt vừa phải từ đường, mứt.

Bánh đa gấc Kẻ Sặt

banh-da-gac-ke-sat.jpg
Bánh đa gấc Kẻ Sặt cũng là một thức quà phù hợp để ăn và làm quà dịp Tết

Nguyên liệu để làm ra một chiếc bánh đa gấc gồm gạo tẻ, gấc, lạc, vừng, dừa, đường kính. Gạo ngâm từ 1-2 giờ rồi cho vào xay. "Cơm" gấc được chọn từ những quả gấc chín bỏ hạt, sau đó trộn với gạo xay, đường theo tỷ lệ nhất định. Sau khi hỗn hợp được trộn đều thì bắt đầu được đưa lên bếp để tráng tay. Sau đó, bánh được cho lên bếp nướng.

Một chiếc bánh đa thành phẩm đạt yêu cầu là có màu đỏ, giòn rụm, thơm mùi vừng, lạc, dừa. Bánh đa gấc Kẻ Sặt cũng là một thức quà phù hợp để ăn và làm quà dịp Tết.

PV (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những món bánh đặc sản Hải Dương không nên bỏ lỡ trong dịp Tết