Tên xã mới không thể vô nghĩa

09/07/2019 13:00

Một tên gọi hay phải đẹp từ ngôn từ đến ý nghĩa, thể hiện văn hóa, truyền thống, đặc trưng của địa phương.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019-2021 của tỉnh, tới đây, Hải Dương sẽ sắp xếp 53 ĐVHC cấp xã thuộc 10 huyện, thành phố để thành lập 24 ĐVHC mới. Việc đặt tên ĐVHC cấp xã sau sáp nhập thế nào đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Dưới góc nhìn ngôn ngữ và văn hóa, tên gọi của xã, phường, thị trấn là địa danh riêng, bao gồm vỏ ngôn ngữ và ý nghĩa hàm chứa của tên gọi đó. Một tên gọi hay phải đẹp từ ngôn từ đến ý nghĩa, thể hiện văn hóa, truyền thống, đặc trưng của địa phương. Tên gọi hay sẽ vun đắp tình yêu quê hương, là niềm tự hào của những người dân ở nơi đó. 

Tỉnh ta chủ trương việc đặt tên ĐVHC mới trên cơ sở coi trọng yếu tố lịch sử. Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện thảo luận thống nhất với Ban Thường vụ cấp ủy cấp xã có liên quan chọn tên ĐVHC mới cho phù hợp đưa vào đề án và thông qua HĐND các cấp.

Theo phương án đề xuất của các địa phương trong diện sáp nhập, có 10 xã, thị trấn mới được đặt theo cách lấy tên của 1 ĐVHC cũ trong số các ĐVHC sáp nhập gồm: 6 xã của huyện Ninh Giang, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) và các thị trấn: Kẻ Sặt (Bình Giang), Gia Lộc (Gia Lộc), Thanh Miện (Thanh Miện). 11 xã mới được đặt theo cách ghép thành phần tên của xã cũ và 3 xã được đặt tên mới là Kim Liên (sáp nhập hai xã Kim Khê và Kim Lương, huyện Kim Thành), Thanh Quang (sáp nhập từ các xã Thanh Bính, Trường Thành, Hợp Đức, huyện Thanh Hà) và Chí Minh (sáp nhập các xã Đông Kỳ, Tứ Xuyên và Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ).

Cách ghép thành phần tên của các xã cũ trước khi sáp nhập tạo thành tên xã mới được chọn nhiều nhất. Kết quả này cũng là điều dễ hiểu bởi cách ghép tên như vậy đáp ứng nguyện vọng của nhiều người mong tên gọi của xã mới có liên quan đến xã cũ của mình. Song cách đặt tên như vậy liệu có phải lựa chọn tốt nhất? Ở huyện Kinh Môn, có 4 xã dự kiến sáp nhập. Thái Sơn và Phạm Mệnh sáp nhập thành phường Phạm Thái; Phúc Thành và Quang Trung sáp nhập thành xã Quang Thành. Các tên gọi Phạm Mệnh, Quang Trung vốn lấy tên danh nhân lịch sử đặt tên địa danh, nếu ghép thành Quang Thành và Phạm Thái thì không còn giữ được ý nghĩa của tên gọi cũ.

Là thị trấn nhỏ có diện tích chỉ 0,46 km2, khoảng 2.000 dân, thị trấn Cẩm Giàng nổi tiếng cả nước qua những trang viết mộc mạc, hiu hắt buồn của nhà văn Thạch Lam. Nơi đây được ví là thị trấn văn chương bởi ghi dấu những đóng góp của Tự lực văn đoàn đối với văn học nước nhà. Thị trấn Cẩm Giàng có lịch sử gần 400 năm, trong thư tịch cổ thì gọi là Cẩm Giang (sông Gấm), về sau vì tránh tên huý của chúa Trịnh Giang nên đổi thành Cẩm Giàng. Dù tên gọi Cẩm Giang đã có từ trước nhưng cái tên Cẩm Giàng mới được nhiều người biết đến. Rồi đây, khi thị trấn Cẩm Giàng sáp nhập với xã Kim Giang để thành thị trấn Cẩm Giang thì những người yêu văn chương sẽ tiếc nuối...

Là huyện có nhiều ĐVHC cấp xã phải sáp nhập nhất tỉnh, Ninh Giang cũng là một trong những huyện làm tốt việc đặt tên ĐVHC mới sau sáp nhập. Huyện thực hiện thống nhất 1 cách đặt tên theo cách lấy từ tên một xã cũ. Nguyên tắc đặt tên dựa trên yếu tố truyền thống lịch sử, lấy tên xã sau sáp nhập theo tên gọi trước khi tách ra. Dù các xã Hồng Thái, Hưng Thái, Văn Giang, Hoàng Hanh có quy mô diện tích, dân số lớn hơn xã còn lại trong nhóm sáp nhập vẫn phải đặt tên theo xã bé hơn do những tên xã Hồng Dụ, Hưng Long, Văn Hội, Tân Quang có lịch sử lâu đời hơn. Cách đặt tên như của Ninh Giang cũng sẽ giảm được một lượng lớn công việc khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi địa giới ĐVHC cấp xã do sắp xếp.

Ngoài bảo đảm tính khoa học, phù hợp, hài hòa của các yếu tố văn hóa, lịch sử, giữa truyền thống và hiện tại, việc đặt tên ĐVHC cấp xã mới cần khơi gợi ý thức và trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Bởi vậy, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tên xã mới không thể vô nghĩa