Trường hợp cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn kê khai không trung thực, cố tình che giấu tài sản sẽ bị chế tài, kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ.
Khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
Cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn buộc phải kê khai, công khai tất cả những tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Trường hợp kê khai không trung thực, cố tình che giấu tài sản sẽ bị chế tài, kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ.
Và sẽ không còn những câu chuyện bi hài như buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ, chạy xe ôm tiết kiệm tiền mua ôtô... trong các bản kê khai tài sản quan chức.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên xoay quanh dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tài sản trên 50 triệu đồng phải kê khai
- Thưa ông, vì sao phải ban hành một nghị định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời điểm này?
- Luật phòng chống tham nhũng có tới 1/4 số điều, khoản liên quan tới kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong số 96 điều của luật, có 24 điều về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là vấn đề phức tạp. Khái niệm người có chức vụ, quyền hạn ở các nước chỉ có quan chức, chính trị gia nhưng ở ta có cả hệ thống chính trị gồm: cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Tất cả các cơ quan này đều có những người chúng ta muốn đưa vào diện kiểm soát tài sản, thu nhập. Nên việc tính toán, xây dựng nội dung dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mất nhiều thời gian, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với hệ thống chính trị.
Vấn đề tài sản, thu nhập rất nhạy cảm, một mặt thực hiện kiểm soát để phòng ngừa tham nhũng, mặt khác liên quan tới quyền cá nhân được hiến pháp bảo đảm. Quan chức có trách nhiệm kê khai nhưng họ cũng là công dân nên có quyền tài sản theo hiến pháp, vì vậy phải tính toán cho phù hợp.
Dự thảo nghị định được tính toán, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để khi ban hành sẽ phát huy hiệu quả, không ảnh hưởng đến tình hình chung, đến sự an toàn, sự an tâm của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn xã hội. Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các bộ, ngành để sớm hoàn thành dự thảo nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành trong năm nay.
- Những ai sẽ phải kê khai tài sản, thu nhập và việc kê khai sẽ được thực hiện thế nào?
- Có hai hình thức kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức. Đó là kê khai lần đầu và kê khai hằng năm. Kê khai lần đầu thì tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức cấp phó phòng trở lên đều phải kê khai. Kê khai hằng năm là những người công tác tại các vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao bao gồm: chức danh giám đốc sở trở lên, các công chức là người quản lý quyền lực công, quản lý tài sản công, tài chính công, người làm công tác tổ chức cán bộ, nhóm tiếp xúc và giải quyết trực tiếp công việc cho người dân.
Dự thảo nghị định nêu rõ 13 ngạch công chức như điều tra viên, thẩm phán, thanh tra viên, kiểm tra viên ngành thuế, hải quan..., và gần 90 vị trí lãnh đạo từ phó phòng trở lên trong một số lĩnh vực phải kê khai hằng năm.
Các loại tài sản, thu nhập phải kê khai gồm: nhà, đất, kim khí quý, đá quý, tiền, ôtô, môtô, tàu thuyền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên ở trong nước và nước ngoài.
Lập cơ quan kiểm soát tài sản
- Khi xây dựng dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan soạn thảo đã đưa ra giải pháp gì để giám sát, kiểm soát tài sản của quan chức?
- Trước đây đã có quy định, đã thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Trong Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi năm 2012 có các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, đến Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 được nâng lên thành các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Chúng ta đã tiến một bước từ minh bạch tới kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức.
Quy định trong dự thảo nghị định lần này không dừng lại ở việc minh bạch mà tăng biện pháp kiểm soát tài sản quan chức. Đặc biệt, việc lập các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Dù không hình thành cơ quan mới nhưng sẽ có những cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ví dụ như Thanh tra Chính phủ là một cơ quan chuyên trách, bên cạnh đó có cơ quan kiểm tra Đảng, tòa án, kiểm sát, đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong đó, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những cán bộ từ cấp giám đốc sở trở lên.
Cơ quan chuyên trách có trách nhiệm đọc tất cả các bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, theo dõi quá trình biến động tài sản. Tài sản, thu nhập của cán bộ công chức ở các ngân hàng, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, ở các cơ quan đăng ký nhà đất, đăng ký xe cộ, tàu thuyền, cơ quan thuế... Cán bộ cơ quan chuyên trách phải kết nối với các cơ quan này để khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong kê khai tài sản, thu nhập thì kiểm tra được ngay. Điều kiện công nghệ hiện nay cho phép cán bộ chuyên trách về kiểm soát tài sản, thu nhập dễ dàng thực hiện điều này.
Điểm đáng lưu ý trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức trong thời gian tới là sẽ hình thành cơ sở dữ liệu tập trung, để các cơ quan nhà nước liên quan nhập thông tin vào. Cơ sở dữ liệu tập trung về tài sản, thu nhập của quan chức cũng được thiết kế để có thể dễ dàng khai thác và bảo đảm tuyệt đối an toàn, tránh làm sai lệch thông tin.
Miễn nhiệm quan chức che giấu tài sản
- Dự thảo nghị định vẫn dựa vào cơ chế tự kê khai và công khai tài sản, thu nhập. Vậy có giải pháp gì để buộc người kê khai phải trung thực và cơ quan chuyên trách biết được họ kê khai đúng?
- Mỗi lần đặt bút kê khai tài sản, thu nhập người công chức phải tự kiểm lại tài sản, thu nhập của mình như thế nào. Nhiều người có thể giật mình khi cảm thấy chỗ nào đó không thực sự chắc chắn. Đây cũng là một điều tích cực rồi. Về nguyên tắc việc kê khai đề cao tính tự giác nhưng cũng có những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực, hoặc cơ quan chuyên trách thấy việc kê khai không hợp lý có quyền yêu cầu giải trình.
Khi kê khai tài sản tăng thêm thì người có chức vụ, quyền hạn phải giải trình nguồn gốc tài sản một cách hợp lý. Không phải cứ giải trình thế nào thì cơ quan chuyên trách nghe như thế. Việc giải trình chưa đến mức độ phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản thu nhập nhưng không thể giải trình kiểu năm nay tôi chịu khó đi xe ôm buổi tối để tiết kiệm tiền mua ôtô, hay buôn chổi đót, nuôi heo xây biệt phủ..., rất khó nghe. Trường hợp có dấu hiệu cố tình che giấu tài sản, không trung thực sẽ lập tổ công tác tiến hành điều tra, xác minh.
Dự thảo nghị định cũng có các biện pháp chế tài đối với những người kê khai chậm, kê khai không trung thực, không kê khai, cố tình che giấu tài sản sẽ bị chế tài tới mức cao nhất là miễn nhiệm chức vụ đang giữ.
- Trường hợp quan chức cố tình tẩu tán tài sản, thậm chí chuyển tài sản ra nước ngoài thì thực hiện việc kiểm soát thế nào?
- Việc tẩu tán tài sản của quan chức khi có dấu hiệu vi phạm là có, đây là một thủ đoạn để hạn chế việc thu hồi tài sản tham nhũng. Nhưng quan niệm về tài sản tham nhũng hiện nay đã khác, trước đây nhận định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng, nhưng nay tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Nên có thể tài sản không mang tên quan chức, mang tên bố, mẹ, vợ, con cái hoặc người thân của quan chức nhưng có nguồn gốc từ tham nhũng vẫn bị thu hồi.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế rất quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Bây giờ tội phạm tham nhũng, rửa tiền lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Quan chức chỉ cần bấm nút là chuyển tiền ra nước ngoài, vì vậy yếu tố nước ngoài đã được tính đến. Chúng ta đã tham gia công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, có các hợp tác song phương, đa phương, có sự hỗ trợ giữa các nước trong việc trao đổi thông tin về hành vi vi phạm, làm rõ các vấn đề nghi ngờ về tài sản và thu hồi tài sản.
Siết quản lý tiền mặt - Trong vụ án AVG, khi các cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện một loạt quan chức nhận hối lộ từ vài trăm ngàn đến vài triệu USD. Vậy có cơ chế nào để kiểm soát tài sản, thu nhập bất minh của quan chức? - Đây là vấn đề rộng dài hơn. Cùng với việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, cần tính tới các giải pháp khác. Họ có thể mang cả triệu USD đi biếu nhau được vì chúng ta không quản lý được tiền mặt. Giờ siết quản lý tiền mặt sẽ kiểm soát được việc mang hàng triệu USD đi biếu nhau. Tại Trung Quốc quan chức nhận hối lộ tiền mặt chỉ biết để trong tủ, chôn xuống đất, cất dưới hầm chứ không tiêu được vì họ quản lý rất chặt việc sử dụng tiền mặt. Thậm chí việc có được số tiền mặt lớn cũng rất khó. Cần quản lý minh bạch chi tiêu toàn xã hội để hạn chế tình trạng mang cả bao tải tiền đi hối lộ. Đồng thời phải đẩy mạnh hoạt động chống rửa tiền, kiểm soát các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ của cán bộ, công chức. Có như vậy mới kiểm soát được tài sản, thu nhập của quan chức, ngăn chặn tham nhũng từ gốc. |
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Tạo điều kiện để người dân, báo chí tham gia kiểm soát Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự tham gia giám sát, phát hiện của người dân và báo chí. Thông tin về tài sản, thu nhập của quan chức nếu chỉ được công khai tại cơ quan, đơn vị thì mới dừng ở việc công bố nội bộ, vì vậy rất cần sự giám sát độc lập của người dân và báo chí. Người dân không biết việc kê khai nội bộ của các cơ quan nên khi có bất cứ thông tin gì liên quan tới tài sản bất minh của quan chức họ có quyền kiến nghị và các cơ quan nhà nước cần lập tức vào cuộc xác minh. Việc kiểm soát tài sản quan chức phải thực hiện nhiều chiều, từ cơ quan chuyên trách, cơ quan công quyền, và từ chính nhân dân, truyền thông, báo chí. Khi chưa có được những thiết chế tư pháp độc lập thì sự vào cuộc của người dân, báo chí rất cần thiết. |
Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông): Chọn đối tượng kiểm soát phù hợp Việc kiểm soát tài sản quan chức cần làm thực chất, tránh đẻ ra một bộ máy cồng kềnh, tốn kém nhưng không hiệu quả. Cả nước hiện có hàng triệu công chức, viên chức đang làm việc trong bộ máy nhà nước, vì vậy việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn cũng cần chọn lọc đối tượng để kiểm soát hiệu quả và giảm chi phí không cần thiết. |
Theo Tuổi trẻ