Xây dựng Đảng

Cán bộ, đảng viên phải trung thực trước Đảng, trước dân

PHÙNG VĂN HẠNH 21/05/2024 14:00

Gần đây, cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ án rúng động dư luận, đã phơi bày sự thiếu trung thực của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Những cán bộ, đảng viên trên luôn nghĩ mình đang “an toàn”, “không ai biết” mình không trung thực trong khai báo lý lịch, tài sản, thu nhập của cá nhân, “dối trên, lừa dưới” trong báo cáo kết quả, nhận xét cán bộ, bổ sung, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm.

Trên diễn đàn, trong hội nghị, trước tập thể, cấp trên, cấp dưới, họ luôn thể hiện sự liêm, chính… nhưng họ làm ngược lại chính những điều mình đã nói. Nguy hại hơn, một số cán bộ cấp cao thiếu trung thực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che cho tội phạm thao túng, trục lợi, làm thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước và lãng phí nguồn lực xã hội.

Sự thiếu trung thực chính là mầm mống nuôi dưỡng sự thoái hóa nhân cách, làm mất đi “danh dự chính trị” của bản thân, gia đình, dòng họ; là nguyên nhân làm cho nhân dân và cán bộ, đảng viên bất bình. Nó còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, hình ảnh của đất nước; là cớ để các thế lực thù địch vin vào, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, quy chụp, quy kết cho rằng, đó là "phe nhóm”, “đấu đá nội bộ”… chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Cần khẳng định rằng, sức mạnh, uy tín, danh dự của Đảng ta trước hết thể hiện ở lòng trung thành, tinh thần trung kiên, đức tính trung thực của đội ngũ đảng viên. Hơn 90 năm qua, hàng triệu cán bộ, đảng viên không những thể hiện phẩm chất trung thành với Đảng, ý chí trung kiên với cách mạng mà luôn có ý thức trung thực với tổ chức, với nhân dân và với bản thân mình. Họ là nhân tố hàng đầu quyết định, làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Đức hy sinh, lòng trung thành, tính trung thực của đảng viên trở thành một hình mẫu, một biểu tượng nhân cách cao đẹp trong lòng nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự nhìn lại mình, nhìn lại công việc mình đang đảm trách trước Đảng, trước dân. Phải thấm thía là người lãnh đạo, những công bộc của dân, tính trung thực luôn là một thuộc tính, một phẩm chất quan trọng. Chức vụ càng cao thì càng phải thấu suốt điều đó và kiên quyết đấu tranh với tệ thiếu trung thực trong tổ chức, trong bộ máy công quyền. Phải tôn trọng sự thật, lẽ phải, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Muốn cho tiếng thơm được lưu danh muôn đời, muốn cho kết quả cống hiến được bền vững dài lâu thì mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đức tính trung thực, không để chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy đè bẹp sự thật thà trong chính con người mình.

Hiện nay, cấp uỷ các cấp đang bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Việc đánh giá, lựa chọn cán bộ là công việc hệ trọng. Yêu cầu đầu tiên của những người được lựa chọn phải là trung thực trước Đảng, trước dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Kiên quyết không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước những kẻ thoái hóa, biến chất, thiếu trung thực”. Đây là cuộc đấu tranh vì cái đẹp, vì văn hóa trong Đảng và trong xã hội, cũng chính là góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ thanh danh của Đảng, vì sự phồn vinh của đất nước và sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

PHÙNG VĂN HẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ, đảng viên phải trung thực trước Đảng, trước dân
    ss